Ai đang tiếp tay?

14/08/2023 18:00

Hàng giả, hàng nhái, hàng lậu đang trở thành vấn nạn trong kinh doanh. Đáng nói, những mặt hàng này ngày càng thống trị thị trường với đầy đủ chủng loại, lĩnh vực, từ thực phẩm đến thời trang…

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng. Tuy vậy, các cơ quan quản lý về lĩnh vực này vẫn thừa nhận, các con số được đưa ra chưa minh hoạ hết thị trường hàng giả, hàng nhái đang bành trướng hiện nay.

Nói thế để thấy, hàng giả, hàng nhái đã trở thành “một phần không thể thiếu” trên thị trường bởi lượng người có nhu cầu sử dụng mặt hàng này rất lớn. Đây chính là điểm yếu của thị hiếu tiêu dùng.

img_4947.jpeg
Cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc hàng

“Rõ ràng, phải nắm bắt được tâm lý sính hàng hiệu nhưng không có đủ khả năng chi trả cho một món đồ đắt tiền của bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, nên hàng nhái, hàng giả có đất để đổ bộ”, bà Thái Thuận, giảng viên Đại học Tài chính Marketing nói.

Theo bà, “cơn say hàng hiệu nhái” đang bao phủ giới trẻ. Vì thế, bất cứ thứ gì được khoác lên người phải có logo của những thương hiệu nổi tiếng. Trong khi những món đồ hàng hiệu chính hãng rất đắt đỏ, nên người tiêu dùng nhóm này tiếp cận với hàng giả, hàng nhái, để thoả mãn nhu cầu. Có thể họ cũng không biết rằng, việc đó, lối tiêu dùng hay sở thích của họ đang tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái tung hoành.

Một cán bộ quản lý thị trường cũng từng chia sẻ với tôi như vậy. Rằng, nguyên nhân chính khiến hàng giả chống hoài không được, là do có sự thoả hiệp, tiếp tay của người tiêu dùng. Người này lấy ví dụ, nếu là hàng thực phẩm thì chúng ta có thể nói câu “dựa vào người tiêu dùng thông thái”. Còn mảng thời trang là thua luôn. Thực tế, khách hàng, người tiêu dùng luôn biết rõ đó là hàng “fake” nhưng do nhu cầu khoe hàng hiệu nên vẫn mua. Hàng hiệu giá rẻ chính là chiêu đánh vào tâm lý của người tiêu dùng.

img_4949.jpeg
Hàng hoá bị làm giả tràn lan

Trước đây tôi từng nghĩ, lực lượng tham gia chống hàng giả, hàng nhái có đến 7, 8 cơ quan, tại sao không chống được. Sau này tôi mới hiểu, không phải do “lắm sãi không ai đóng cửa chùa” mà do số người tiêu dùng có nhu cầu về loại hàng giả này quá lớn. Nói thế không đồng nghĩa đổ hết lỗi cho người tiêu dùng mà có phần lơi lỏng của cơ quan quản lý, thậm chí trong một số vụ việc họ cũng là “người tiếp tay”!?.

Rõ ràng, khi sản phẩm của các thương hiệu tên tuổi bị làm giả, làm nhái được mua bán công khai, đã tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vấn nạn này không chỉ làm xói mòn sức trí tuệ, sức sáng tạo, sản xuất và tính cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp; Lớn hơn, đó là sự dè chừng của nhà đầu tư. Một thị trường mà hàng giả, hàng nhái mặc sức tung hoành, các nhà đầu tư tiềm năng chắc chắn sẽ quay lưng.

Chị Hạnh, một người bạn thân thiết của tôi, nói rằng, không phải ngẫu nhiên mà chị có nguyên tắc, tất cả hàng chị dùng phải luôn là hàng chính hãng. Có tiền, chị sẽ mua thương hiệu lớn, không có đủ tiền chị dùng hàng thương hiệu tầm trung. Theo chị, mua một món hàng giả chính là tiếp tay cho thị trường hàng giả, thậm chí là một ngành công nghiệp hàng giả lên ngôi.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ai đang tiếp tay?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO