Theo trang tin DealstreetAsia, ông Trần Ngọc Thái Sơn, sáng lập kiêm CEO của Tiki đã nộp đơn từ chức lên hội đồng quản trị của công ty.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin này được đưa ra, trên mạng xã hội lại xuất hiện một email nội bộ bằng tiếng Anh được gửi từ tài khoản có tên Son Tran (được cho là của ông Sơn), với nội dung thông báo cho tất cả mọi người đang làm ở Tiki, đây là thông tin giả mạo (Fakenews) và ông Sơn khẳng định trong email, “tôi vẫn ở Tiki và không đi đâu cả”. Đồng thời trên Facebook cũng xuất hiện một số đoạn chat khi người ta hỏi ông Trần Ngọc Thái Sơn về chuyện từ chức, thì ông ấy cũng trả lời là Fakenews.
Khi PV VietNamNet liên hệ ông Trần Ngọc Thái Sơn qua điện thoại để xác thực thông tin, dù thực hiện cuộc gọi rất nhiều lần nhưng ông không bắt máy. Hiện PV cũng đã tiến hành gửi email đến 2 địa chỉ được cho là của ông Trần Ngọc Thái Sơn sử dụng và đang chờ được phản hồi.
Một số ý kiến cho rằng, với các phản ứng như vậy, khả năng cao là ông Trần Ngọc Thái Sơn đã nộp đơn từ chức CEO. Tuy nhiên, có thể các nhà đầu tư gây sức ép đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông nhằm tạo áp lực để ông ở lại.
Năm 2021, theo báo cáo công bố tháng 4/2021 của Quỹ đầu tư Nextrans, Tiki đã nhận tổng cộng 258 triệu USD từ vòng gọi vốn series E. Đây được xem là một trong những deal gọi vốn lớn nhất tại Việt Nam được chính thức công bố lúc đó. Dẫn dắt bởi tập đoàn bảo hiểm toàn cầu AIA, vòng gọi vốn series E còn có sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư danh tiếng khác trên thế giới như Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile cùng cổ đông hiện hữu STIC Investments - một trong những công ty đầu tư lớn nhất Hàn Quốc. Ở thời điểm này, Tiki được định giá ở mức 832 triệu USD và được kỳ vọng trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.
Tháng 5/2022, một thông tin đáng chú ý nữa cũng xuất hiện trên truyền thông, đó là việc ngân hàng Shinhan đến từ Hàn Quốc mua 10% cổ phần của Tiki.
Tiki xuất phát từ nền tảng bán sách online được ông Trần Ngọc Thái Sơn thành lập vào năm 2010. Chỉ 2 năm sau, Tiki đã nhận được đầu tư từ quỹ CyberAgent Ventures, sau đó tiếp tục nhận được đầu tư từ tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản. Năm 2015, kỳ lân công nghệ VNG công bố đầu tư vào Tiki và năm 2017 thêm JD.com, ông lớn thương mại điện tử của Trung Quốc, cũng rót tiền vào công ty này.
TiKi nhanh chóng đạt được thành công và trở thành một nền tảng thương mại vào năm 2018 với 5 triệu người dùng, 350.000 sản phẩm thuộc 20 ngành hàng như sách, điện tử, đồ gia dụng, làm đẹp, mẹ và bé. Đáng chú ý, lúc bấy giờ Tiki là nền tảng thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam thực hiện giao hàng nhanh cho khách trong vòng 2 giờ đồng hồ với tên gọi Tikinow.
Tuy nhiên, sự vươn lên mạnh mẽ của Shopee và mới đây là TikTok Shop đã đe doạ đến doanh số bán hàng của công ty trong thời gian qua. Theo Báo cáo Thương mại điện tử 2023 do công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works vừa công bố, tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) thương mại điện tử năm 2022 tại Việt Nam đạt 9 tỷ USD. Trong đó, Tiki chỉ đóng góp 6%, tương ứng 540 triệu USD (khoảng 12.150 tỷ đồng). Shopee chiếm tới 63%, đạt khoảng 5,67 tỷ USD (khoảng 113.245 tỷ đồng). Đứng ở vị trí thứ hai là Lazada, với thị phần khoảng 2,7 tỷ USD (khoảng 63.450 tỷ đồng).
Năm 2022, tổng doanh thu của Tiki giảm 7% so với năm 2021, trong khi chi phí tăng 4% cùng kỳ, khiến khoản lỗ hoạt động tăng thêm 39% trong tài khóa 2022. Theo Tech In Asia, khoản lỗ của Tiki trong năm 2022 ước tính khoảng 100 triệu USD.
Chuyện một công ty gặp khó khăn CEO từ chức để người khác có năng lực hơn lên thay thế là điều không mới. Tuy nhiên, có hay không việc ông Trần Ngọc Thái Sơn từ chức CEO Tiki vẫn phải chờ câu trả lời từ chính ông hoặc thông báo từ công ty này.