Gọi điện thoại cho giám đốc trung tâm xét nghiệm ADN trong đêm khuya, Nguyễn Thị Hằng (35 tuổi, Hà Nội) liên tục khóc nấc, khẩn thiết mong được giám định huyết thống giữa chồng và con. Suốt đêm cô không ngủ, chỉ chờ trời sáng để đem mẫu tóc đi xét nghiệm.
Hôm đó Hằng đến trung tâm ADN và mang theo 2 mẫu tóc được gói cẩn thận trong túi bóng. Trong đó, một mẫu ghi tên con, mẫu còn lại ghi đầy đủ họ tên của cha. Cô đăng ký gói xét nghiệm với thời gian cho kết quả nhanh nhất.
Vừa ghi thông tin vào phiếu đăng ký, người phụ nữ nghẹn ngào trình bày: "Tôi bị oan, xin trung tâm hãy cứu giúp, nếu không được giải oan có lẽ mẹ con tôi sẽ khó mà sống vì tủi nhục”.
Theo lời Hằng, hai vợ chồng cô kết hôn được 5 năm và có bé trai 3 tuổi. Chồng Hằng là thầy giáo và cũng là mối tình đầu của cô. Lúc mới về chung nhà, hai vợ chồng hạnh phúc khi được hai bên gia đình vun vén, giúp đỡ về kinh tế. Sợ con gái vất vả, bố Hằng còn bỏ tiền mua nhà, xe riêng cho hai vợ chồng.
Cách đây một năm, chồng Hằng bỗng thay đổi tính nết, thường xuyên đi sớm về muộn và cũng ít quan tâm đến vợ con. Mỗi lần Hằng góp ý thì hai vợ chồng lại to tiếng, xích mích. Có lần, chồng cô còn bỏ ra ngoài không về nhà cả tuần. Đỉnh điểm là gần đây, người chồng bỗng nhiên nghi ngờ vợ ngoại tình và khẳng định đứa con 3 tuổi không phải là con ruột.
“Anh ta nói đứa trẻ càng lớn càng không có nét giống bố. Bố tóc xoăn nhưng con lại tóc thẳng, bố da trắng con lại ngăm đen. Gần như ngày nào anh cũng xúc phạm, lăng mạ tôi”, Hằng nói.
Chưa hết, gần đây chồng Hằng còn mời bố mẹ hai bên họp gia đình, anh đưa ra một tờ giấy xét nghiệm ADN với kết quả “cha – con không cùng huyết thống”.
Hằng suy sụp, đau khổ đến tột cùng, cô càng cố thanh minh thì càng bị mọi người quay lưng, hằn học. Mẹ chồng cô trước đây tâm lý, quý con dâu bao nhiêu thì giờ cũng quay ra nói xấu, mắng cô không tiếc lời. Ngay cả bố mẹ đẻ Hằng cũng có ý nghi ngờ sự chung thủy của con mình.
Để minh oan cho chính mình, Hằng lấy mẫu tóc của chồng và con trai đem đến trung tâm xét nghiệm để giám định ADN. Phiếu xét nghiệm kết luận “cha – con có quan hệ huyết thống” khẳng định, đứa trẻ 3 tuổi là máu mủ ruột thịt của chồng Hằng.
Không thể tiếp tục sống chung với người đàn ông bội bạc, từ chối nhận con dù đó đúng là máu mủ ruột thịt của mình, Hằng quyết định làm thủ tục ly hôn, yêu cầu người chồng có trách nhiệm chu cấp hàng tháng cho con.
Mãi sau này, khi thủ tục ly hôn hoàn tất, Hằng mới phát hiện ra chồng ngoại tình, có người phụ nữ khác. Thậm chí hai người này đã có con. Vì muốn nhanh chóng kết hôn với người mới, anh ta nghĩ ra cách làm giả giấy xét nghiệm ADN.
Câu chuyện bị vỡ lở, không chịu được tai tiếng, áp lực từ mọi người xung quanh, người chồng cùng với nhân tình chuyển đi nơi ở mới.
ThS Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền (Hà Nội) chia sẻ, câu chuyện của Hằng khiến bà nhớ mãi. Đến giờ bà vẫn không hiểu nổi vì sao chồng Hằng có thể hết tình, cạn nghĩa, chối bỏ đứa con ruột thịt mình từng chăm bẵm, yêu thương như vậy. "Liệu sau này, anh ta có cảm thấy hối lỗi, ăn năn khi đối mặt với đứa con ruột thịt mình?", bà Nga nói.
Giám định ADN là phương pháp chính xác nhất hiện nay để xác định huyết thống giữa con và bố (mẹ) nghi vấn (tỷ lệ chính xác lên tới 99,999% hoặc hơn tùy vào số gene làm xét nghiệm. Trường hợp xét nghiệm từ 18-24 locut trở lên, tỷ lệ chính xác vào khoảng 99,99999999%. Những mẫu được dùng để xét nghiệm AND khá đa dạng có thể là máu, tế bào niêm mạc miệng, bàn chải đánh răng, móng tay chân, tóc có chân.
Xét nghiệm ADN phân tích thông tin ADN ở 23 cặp nhiễm sắc thể của hai hay nhiều người để xác định mối quan hệ di truyền. Những người đi xét nghiệm thường ít nhiều có khúc mắc trong cuộc sống, họ cần một kết quả xét nghiệm ADN chính xác, làm cơ sở chắc chắn để giải quyết đúng đắn mọi vấn đề. Trong số đó, người nhờ ADN cứu vớt được hạnh phúc của mình nhưng cũng không ít gia đình đau khổ khi sự thật được phơi bày.