Vùng ĐBSCL đang nắm giữ những mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD như lúa gạo, thủy sản, trái cây. Mặc dù nắm giữ những thế mạnh nhưng kinh tế của vùng được nhìn nhận là phát triển vẫn chưa tương xứng tiềm năng khi phải đối diện với thách thức của biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước, xâm nhập mặn.
Vì vậy, đánh giá đúng tiềm năng, thách thức, có những giải pháp phát triển phù hợp là rất cần thiết, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển vùng trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước đang được quan tâm.
Theo Bộ Công Thương, vùng ĐBSCL có nhiều nhóm ngành hàng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD như trái cây, lúa gạo và thủy sản. Theo ước tính năm nay tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng ĐBSCL sẽ đóng góp khoảng 7,6 triệu tấn.
Những con số thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, vùng ĐBSCL đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thuỷ sản nuôi, khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại.
Trong số các địa phương có sản lượng nuôi, khai thác thuỷ hải sản cung ứng cho thị trường toàn cầu, tập trung hầu hết tại vùng ĐBSCL với 9 địa phương. Mặc dù vùng ĐBSCL đang nắm giữ thế mạnh, lợi thế nhưng kinh tế của vùng được nhìn nhận chưa phát triển vẫn xứng với tiềm năng khi đang đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước, xâm nhập mặn.
Nhấn mạnh về xây dựng thương hiệu, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng ĐBSCL, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, hàng xuất khẩu của vùng vẫn chủ yếu dựa trên giá cả chưa có sự đầu tư vào nâng cao giá trị, một số sản phẩm đã được đầu tư chế biến sâu nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường EU.
Ngoài ra, việc đầu tư vào thương hiệu của doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, bên cạnh đó hạ tầng logistics về nông nghiệp chưa được quan tâm nên cũng đã ảnh hưởng đến phát huy thế mạnh của vùng. Nhận định thời gian tới vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục có nhiều dư địa trong phát triển về lúa gạo, rau quả, thủy sản nếu như các địa phương quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến để có những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu các thị trường xuất khẩu.
Ông Trần Quốc Toản nhấn mạnh: "Với kim ngạch và hiệu quả xuất khẩu rau quả trong thời gian qua và trong thời gian tới để nâng cao được cái thương hiệu cũng như giá trị xuất khẩu. Trước hết chúng ta cùng nhìn nhận lại những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua đối với từng mặt hàng, đối với từng địa phương để từ đó chúng ta có phương án để chúng ta điều tiết, phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp để thông tin, triển khai những giải pháp trong thời gian tới cũng như là có biện pháp để liên kết vùng với nhau".
Theo Bộ Công Thương, để vùng ĐBSCL phát triển xứng tầm thì một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững.
Tại quyết định phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, thì vùng được định hướng cần đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại từ khu thương mại, dịch vụ, trung tâm logistics đến hệ thống chợ dân sinh hỗ trợ hiệu quả cho các trung tâm đầu mối về nông nghiệp; chú trọng xây dựng hệ thống kho chứa và bảo quản nông sản đảm bảo đủ tiêu chuẩn; phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản có thế mạnh. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, hợp tác xã, hiệp hội, doanh nghiệp để xây dựng, củng cố một số nhận diện thương hiệu chính về nông sản vùng ĐBSCL đối với thị trường trong nước, quốc tế.