Từ nhiều năm nay, bà L.T.H (trú xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải) đã quen với việc vượt quãng đường gần 200km để đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái khám định kỳ và lấy thuốc điều trị bệnh đau đầu kinh niên. Thế nhưng nhiều tháng gần đây, bác sĩ thường xuyên thông báo hết thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả và kê đơn để bà H ra ngoài mua.
“Bệnh của tôi điều trị quanh năm, đi lại tốn kém nên tôi chỉ mong được cấp phát thuốc bảo hiểm y tế. Hôm trước, bác sĩ kê đơn bảo mua ngoài nhưng tôi chẳng đủ tiền lại phải bắt xe khách đi về. Khổ lắm…”, bà H than thở.
Tương tự, ông H.V.T ( trú xã Hoà Cuông, huyện Trấn Yên) mỗi lần đến bệnh viện khám bệnh tiểu đường đều vào nơi cấp phát thuốc bảo hiểm y tế hỏi xem đã có thuốc chưa nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Theo chia sẻ của ông T, với những người mắc bệnh mãn tính, lại sống ở vùng sâu vùng xa nên việc thiếu thuốc bảo hiểm y tế khiến họ “khổ chồng khổ”, chật vật chạy chữa bệnh qua ngày…
Trao đổi với PV Báo Lao Động, BS Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái - cho biết, hiện nay trên địa bàn đang gặp một số khó khăn trong việc mua thuốc y học cổ truyền và thuốc hướng thần (kiểm soát đặc biệt được dùng trong bệnh viện gây mê, gây tê, điều trị bệnh động kinh, tâm thần).
Về giải pháp, BS Lê Thị Hồng Vân cho biết đã có kiến nghị lên Bộ Y tế có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, đặc biệt liên quan đến Thông tư quy định mua nhóm thuốc y học cổ truyền và cho phép bảo hiểm y tế chi trả cho những trường hợp mua thuốc không qua đấu thầu bằng đơn được duyệt.
Đại diện Trung tâm Y tế các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái cũng kiến nghị được bổ sung trang thiết bị y tế và mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế để tuyến dưới có thể chủ động khám và cấp thuốc cho người mắc bệnh mãn tính.
“Việc thiếu thuốc bảo hiểm y tế tác động rất lớn đến công tác chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời thì đời sống người dân càng khó khăn nhiều hơn”, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu chia sẻ.