Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được các đại biểu Quốc hội thảo luận trên hội trường sáng 24/6.
Nhất trí về sự cần thiết thành lập bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở , song các đại biểu Quốc hội muốn ban soạn thảo làm rõ hơn về nhiều vấn đề liên quan đến lực lượng mới này.
Cần huy động lực lượng đủ mạnh trong trường hợp an ninh phức tạp
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình), tình hình an ninh trật tự phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi. Đặc biệt, vụ việc vừa qua tại Đắk Lắk đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho công tác an ninh trật tự cơ sở hiện nay.
Dự thảo luật quy định giao địa phương quyết định số lượng tổ an ninh trật tự cũng như thành viên, song theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, điều này có thể gây ra sự thiếu thống nhất giữa các địa bàn và làm tăng ngân sách.
Nữ đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ tiêu chí, số lượng tối đa của lực lượng an ninh trật tự để thống nhất trên toàn quốc, chú trọng các địa bàn biên giới, vùng sâu vùng xa, hải đảo.
Ngoài ra, đại biểu Tâm đề nghị làm rõ tư cách nghĩa vụ và trách nhiệm của lực lượng này, tránh lạm quyền.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội) cũng ủng hộ cần có sự tham gia của lực lượng an ninh cơ sở trong bảo vệ an ninh.
Dự thảo luật quy định lực lượng này chịu sự quản lý của UBDN cấp xã, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn chuyên môn của công an xã về tổ chức hoạt động, nhưng theo bà Lan, thực tế có nhiều vụ việc xảy ra ảnh hưởng đến an ninh trật tự, để giải quyết cần có sự tham gia của các lực lượng trên địa bàn.
Vì thế, lực lượng này cần sự chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp xã, nếu giao công an xã chỉ đạo sẽ khó hiệu quả.
Về huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở, dự thảo luật quy định trường hợp cần thiết hoặc xảy ra tình hình an ninh phức tạp trên địa bàn, UBND cấp xã huy động các lực lượng tham gia, công an xã chỉ huy. Bà Lan cho rằng quy định này chưa bao quát các trường hợp vi phạm trật tự an ninh cơ sở và biện pháp giải quyết.
"Điển hình như vụ tấn công 2 trụ sở UBND xã tại Đắk Lắk và một số vụ việc mất an ninh khác xảy ra tại nhiều nơi", bà Lan dẫn chứng và cho rằng các vụ việc có tính chất phức tạp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, tính mạng người dân cần có biện pháp giải quyết kịp thời và phù hợp.
Với các trường hợp phức tạp, nữ đại biểu góp ý cần huy động các lực lượng đủ mạnh, sự tham gia của quần chúng nhân dân và báo cáo kịp thời cấp trên.
"Nếu giao UBND cấp xã quyết định số lượng tổ hoặc thành viên sẽ không thống nhất trong toàn tỉnh cũng như cả nước. Nên quy định tiêu chí dựa trên số hộ dân trên địa bàn và tính chất phức tạp tại địa phương. UBND tỉnh sẽ quyết định số lượng tối đa và chế độ chính sách", đại biểu Lan nêu quan điểm.
Đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần
Góp ý về vấn đề kinh phí, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho hay dự thảo Luật quy định kinh phí bảo đảm trang thiết bị, cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở do địa phương bảo đảm. Địa phương khó khăn về ngân sách được Trung ương hỗ trợ để thực hiện theo khả năng.
"Điều này không thực sự khả thi nhất, là với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách trong khi nhu cầu về số lượng tổ, thành viên tại các thôn, tổ dân phố ngày càng tăng do yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng", ông Tuấn lo ngại.
Ông đề nghị sửa quy định này theo hướng kinh phí hoạt động và trang thiết bị của lực lượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm một phần và một phần từ nguồn tài chính huy động, nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.
Theo tờ trình của Chính phủ, riêng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở hiện nay là 103.000 đơn vị cấp thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố có ít nhất một tổ và mỗi tổ ít nhất 3 thành viên, cả nước có trên 300.000 người thuộc lực lượng này, và con số ấy còn cao hơn nữa vì khi cần thiết, địa phương có thể tiếp tục tăng số tổ hoặc lập thêm.
Về nguồn tài chính huy động hợp pháp khác, đại biểu Tuấn nhấn mạnh cần quy định cụ thể gồm những nguồn nào và được quản lý, sử dụng ra sao. Ông gợi mở nên luật hóa Quỹ hỗ trợ thành lập tổ an ninh trật tự ở cơ sở do các xã trực tiếp huy động, quản lý và sử dụng.
"Việc chi bồi dưỡng cho các thành viên sẽ lấy từ nguồn này, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ nơi khó khăn, thúc đẩy xã hội hóa trong huy động nguồn lực đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, giảm gánh nặng cho ngân sách", ông Tuấn nêu quan điểm.