Vụ chuyến bay giải cứu: Có dấu hiệu thông đồng khai báo để che giấu hành vi phạm tội

18/07/2023 11:10

Theo VKS, các bị cáo nhận hối lộ có chức vụ quyền hạn cao, sau khi thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu của việc thông đồng khai báo để che giấu hành vi phạm tội.

Ngày 18/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu.

Trong phần luận tội, đại diện VKS đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được thể hiện ở hành vi phạm tội của các bị cáo nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã lợi dụng hoàn cảnh dịch COVID-19 bùng phát để phạm tội.

Hành vi phạm tội xảy ra ở nhiều Bộ, ngành, địa phương khác nhau, các bị cáo bị khởi tố với 5 tội danh, chủ yếu thuộc nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hành vi mang tính đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.

"Các bị cáo nhận hối lộ là những người có chức vụ quyền hạn cao trong các cơ quan Nhà nước; sau khi thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu của việc thông đồng khai báo để che giấu hành vi phạm tội, thậm chí còn có việc tác động, nhờ giúp đỡ để một số cá nhân là các bị cáo nhóm doanh nghiệp không bị xử lý hình sự.

Đến nay, một số bị cáo chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội", đại diện VKS nhận định.

Đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng đối với các bị cáo hôm mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng đối với các bị cáo hôm mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Cụ thể, đối với các bị cáo Nhận hối lộ, đại diện VKS nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cơ quan Nhà nước đã tổ chức hơn 1.000 chuyến bay đưa hơn 200.000 công dân từ 62 vùng lãnh thổ về nước là thể hiện chính sách, chủ trương nhân đạo của Nhà nước ta.

Mục đích và ý nghĩa của các chuyến bay là rất tốt đẹp. Thế nhưng, chủ trương tốt đẹp đã bị một số cán bộ biến chất làm cho hoen ố, mất uy tín với nhân dân và bạn bè quốc tế.

Một số bị cáo trong nhóm Nhận hối lộ đã bất chấp tất cả, biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân.

Họ đã nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin cho buộc đại diện các doanh nghiệp phải đưa chi phí bôi trơn, đưa hối lộ để được cấp phép các chuyến bay. Do đó, cần phải có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội đối với các bị cáo Nhận hối lộ.

Tuy nhiên, VKS cho rằng cũng cần xem xét thời điểm xảy ra dịch đang diễn ra việc thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước cũng nhanh và phức tạp không có quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục nên đây cũng là nguyên nhân, sơ hở để các bị cáo phạm tội.

Một số bị cáo không chủ động yêu cầu đưa tiền nhưng do không tránh được cám dỗ nên đã phạm tội để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

Đối với các bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đại diện VKS cho hay, thời điểm năm 2020, 2021, diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Malaysia và trên toàn thế giới hết sức phức tạp.

Tháng 3/2020, Chính phủ Malaysia công bố đóng cửa biên giới dẫn đến tình trạng nhiều du học sinh, công dân Việt Nam, người lao động bị mắc kẹt. Hơn 2.000 người mãn hạn tù là công dân Việt Nam đang ở các trại chờ gây nên áp lực rất lớn đối với chính quyền Malaysia.

Chính quyền Malaysia gửi nhiều văn bản yêu cầu với Đại sứ quán yêu cầu Chính phủ Việt Nam đưa người mãn hạn tù về nước bằng bất cứ hình thức nào; tại các trại chờ, tình hình môi giới giả danh cán bộ ĐSQ để thu tiền giá cao nhưng vẫn không đưa họ về nước.

Trước tình hình đó, mặc dù không có kinh phí, Đại sứ quán đã chủ động báo cáo Bộ Ngoại giao xin phép Chính phủ cho ĐSQ tổ chức bảo hộ công dân đưa người mãn hạn tù từ nhiều nơi trên khắp đất nước Malaysia về nước trên các chuyến bay giải cứu bằng kinh phí tự nguyện của những người này.

"Mặc dù hành vi Trần Việt Thái, Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương đã bị truy tố, xét xử về tội Lợi dụng chức vụ chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhưng cũng cần đánh giá, xem xét một phần nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo để giảm nhẹ một phần", đại diện VKS nhấn mạnh.

Đối với các bị cáo Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, một phần từ mục đích tìm kiếm lợi nhuận và tạo công ăn, việc làm cho người lao động trong hoàn cảnh khó khăn dịch bệnh; ý thức của các doanh nghiệp trong việc đồng hành với Nhà nước thực hiện các chuyến bay đưa càng nhiều công dân về nước càng tốt.

Tuy nhiên, trước sự gây khó khăn, đòi hỏi, yêu sách, nhũng nhiễu, tạo ra cơ chế xin cho của một số đối tượng trong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên họ đã phải đưa tiền để được duyệt cấp phép các chuyến bay.

Do đó, VKS đề nghị HĐXX cân nhắc, đánh giá đúng nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh để có hình phạt phù hợp đối với người đưa hối lộ.

Đối với các bị cáo Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đại diện VKS cho biết, bằng thủ đoạn gian dối, các bị cáo Trần Minh Tuấn, Hoàng Văn Hưng đã đưa ra các thông tin giả tạo, không đúng sự thật, làm cho bị hại tin tưởng giao tiền cho các bị cáo. Hành vi phạm tội của các bị cáo xảy ra trong thời điểm dịch bệnh, do đó, cần phải có bản án nghiêm khắc để mang tính răn đe, phòng ngừa giáo dục chung.

Minh Tuệ

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ chuyến bay giải cứu: Có dấu hiệu thông đồng khai báo để che giấu hành vi phạm tội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO