Ngày 5-5, Công an huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) đang điều tra vụ bà P.T.N., nhân viên hộ lý, tạp vụ tại Phòng khám đa khoa Hùng Vương-Chân Mộng (địa chỉ ở khu 2, xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ), bỏ thuốc chuột (thuốc diệt chuột-PV) vào thức ăn thừa của phòng khám, sau đó nhân viên của phòng khám mang số thức ăn này về cho chó, mèo ăn khiến nhiều chó mèo, chết.
Phòng khám Đa khoa Hùng Vương-Chân Mộng, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Nhận định về vụ việc, tiến sĩ-luật sư Đặng Văn Cường (trưởng Văn phòng Luật Chính pháp), cho rằng hành vi bỏ thuốc chuột vào thức ăn thừa để người khác mang về chăn nuôi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu phạm tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, thậm chí trong một số trường hợp còn có thể là tội Giết người nên cơ quan điều tra sẽ làm rõ mục đích, ý thức chủ quan của đối tượng và hậu quả của sự việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin từ phía lực lượng chức năng, bước đầu đã xác định được nguyên nhân số vật nuôi trên tử vong là do bị trúng độc và đã xác định được người bỏ độc tố vào thức ăn thừa ở phòng khám để cho nhân viên của phòng khám mang về chăn nuôi. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người này để xác định nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ mục đích của người đã bỏ thuốc diệt chuột vào thức ăn thừa để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người phụ nữ này đã cố ý bỏ thuốc diệt chuột vào thức ăn thừa để đầu độc vật nuôi của các nhân viên phòng khám dẫn đến hậu quả thiệt hại đến tài sản của họ thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại điều 178 Bộ luật Hình sự với chế tài có thể tới 7 năm tù bởi hành vi này được xác định là dùng thủ đoạn nguy hiểm.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ thức ăn thừa này được đựng vào vật dụng gì và đã bị trộn lẫn hay chưa. Nếu thức ăn thừa vẫn để ở trong xoong, trong bát riêng biệt thì còn có thể sử dụng cho con người. Nếu thức ăn thừa đã được trộn lẫn và đổ vào thùng chứa thức ăn thừa để làm thức ăn chăn nuôi thì tính chất của sự việc sẽ rất khác nhau.
Nếu bỏ thuốc chuột vào thùng thức ăn thừa đã được trộn lẫn nhằm mục đích đầu độc vật nuôi của người khác thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Còn trường hợp bỏ thuốc diệt chuột vào thức ăn thừa với mục đích để cho người khác ăn thì đây là hành vi Giết người. Người sử dụng thuốc diệt chuột để sát hại người khác có thể sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng là có động cơ đê hèn và dùng thủ đoạn nguy hiểm có thể làm chết nhiều người...
Hành vi Giết người có cấu thành hình thức, chỉ cần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội với mục đích để tước đoạt tính mạng của người khác là có thể bị xử lý hình sự, không đòi hỏi nạn nhân phải tử vong.
Những vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư, đây là vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm, hành vi có tính chất đê hèn, ích kỷ, coi thường pháp luật có thể tước đoạt tính mạng, xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của người khác nên cơ quan điều tra sẽ sớm làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý những trường hợp như thế này là cần thiết để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, để giáo dục những người có tâm địa hẹp hòi, ích kỷ, những người có ý thức coi thường tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác phải trả giá trước pháp luật để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Điều 178. Tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 , người phạm tội giết người bị xử lý như sau:
- Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+ Giết 02 người trở lên;
+ Giết người dưới 16 tuổi;
+ Giết phụ nữ mà biết là có thai;
+ Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
+ Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
+ Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
+ Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
+ Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
+ Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
+ Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
+ Thuê giết người hoặc giết người thuê;
+ Có tính chất côn đồ;
+ Có tổ chức;
+ Tái phạm nguy hiểm;
+ Vì động cơ đê hèn.
- Trường hợp phạm tội không thuộc các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.