Ngày 17/4, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), tình trạng sức khỏe của bé H.K (2 tuổi) nghi bị cha mẹ bạo hành cách đây một tuần đã có tiến triển tích cực.
Thời điểm nhập viện, trẻ suy hô hấp, sốc, mạch 160/phút, huyết áp khó đo. Cơ thể có nhiều vết thương, vết bỏng, sưng u trán, vết thương 2 đầu núm vú, vùng má, mũi, mặt… Ngoài ra, em bị gãy 1/3 giữa xương cánh tay phải, tay biến dạng. Kết quả chụp CT não còn ghi nhận trẻ bị xuất huyết dưới màng cứng, tụ máu mô mềm da đầu 2 bên. Trẻ được hồi sức tích cực.
Đến nay, sau một tuần điều trị, bé đã thoát cơn nguy kịch, không còn phải hồi sức, cánh tay gãy được bó bột, các vết bỏng được xử trí. Tuy nhiên, trẻ có tình trạng viêm phổi nên vẫn phải điều trị đến khi ổn định. Bệnh nhi đang được chăm sóc tại Khoa Bỏng - Chỉnh hình.
Xem thêm: Cháu bé 8 tuổi ở Quảng Ninh bị mẹ bạo hành phải nhập viện
Những ngày qua, hình ảnh cháu bé 2 tuổi gày gò với nhiều vết thương trên cơ thể nghi bị bạo hành ở TP.HCM có lẽ gây ám ảnh với nhiều người.
Dư luận cho rằng, chúng ta đã có các luật, quy định về bảo vệ trẻ em, xã hội cũng quan tâm tuyên truyền về nội dung này. Thế nhưng, thời gian qua, bạo hành trẻ chẳng những không giảm mà còn tăng, nhiều vụ khi được phát hiện thì đã như cháu bé 2 tuổi vừa rồi, thậm chí có trẻ đã bị cướp đi mạng sống như bé N.T.V.A (8 tuổi) ở PT.HCM bị mẹ kế đánh chết, dù sống chung với cha ruột.
Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải việc trẻ bị bạo hành, nhưng có một nguyên nhân ai cũng thấy rõ là trong mỗi gia đình, trẻ em bao giờ cũng là đối tượng yếu thế. Trong phần lớn các gia đình, con cái chỉ được nghe theo, làm theo chứ không có quyền nói lên tiếng nói của mình. Khi con phản ứng lại thì bị người lớn cho là cãi lại, hư hỗn, thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với con.
Chưa kể, ở nhiều gia đình, những bức xúc của người lớn, cha mẹ từ cơ quan, từ ngoài đường hay từ bất cứ đâu cũng được đem về nhà trút lên đầu con trẻ. Có cha mẹ khi thấy con học hành thua bạn kém bè thì gây áp lực, la mắng, đánh đập. Nhiều đứa trẻ cảm thấy cô đơn, lạc lõng và mệt mỏi khi sống cùng cha mẹ, người thân trong chính ngôi nhà của mình.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là sự thờ ơ của người lớn ngay tại nơi các em sinh sống. Phần lớn ai cũng coi chuyện “dạy con” là việc riêng, không liên quan đến mình. Ngay trong tâm lý nhiều cha mẹ, cũng không muốn người khác can thiệp vào chuyện dạy dỗ con cái.
Vì thế, khi nghe thấy tiếng trẻ khóc lóc, van xin khi bị người lớn, bố mẹ đánh mắng thì gần như mọi người coi đó là chuyện rất bình thường trong mỗi gia đình.
Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, việc xử lý mâu thuẫn trong gia đình chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, nhưng nếu trẻ biết được quyền lợi của mình, người lớn biết được nghĩa vụ, trách nhiệm và những việc mình được làm với con trẻ thì sẽ giảm đi nhiều nạn bạo hành.
Hãy tạo cơ hội để trẻ em được thể hiện cảm xúc, chính kiến của mình từ trong gia đình, nhà trường, trước những lời nói và hành động của người lớn. Có như thế các em mới được phát triển một cách bình thường, biết cách tự bảo vệ mình trước những tình huống nguy hiểm luôn rình rập.
Trước đó, sáng 12/4, cha mẹ đã đưa bé H.K. đến gửi cho người cô ruột tên T. Chị T. và người dân xung quanh phát hiện cháu K. bị bỏng khá nặng vùng mặt. Vùng lưng của bé có nhiều thương tích khác, tay phải bị gãy. Vụ việc được trình báo cơ quan công an.
Bé K. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn. Thời điểm nhập viện, bé trai có nhiều vết thương cũ vùng mặt, gãy biến dạng cánh tay phải, bỏng rộp độ 1-2 diện tích 6% vùng ngực, bụng, bẹn và mông.
Công an huyện Hóc Môn (TP.HCM) đang làm việc đối với cha mẹ của bé trai. Bước đầu, lực lượng công an kiểm tra nhanh, xác định cả bố và mẹ bé trai âm tính với ma túy. Người mẹ đã thừa nhận có đánh con.