Việt Nam phản đối việc tổ chức khí tượng dùng bản đồ 'đường lưỡi bò'

Châu Như Quỳnh| 25/08/2022 19:09

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: "Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là đường chín đoạn cũng như các yêu sách biển trái với các công ước quốc tế; yêu cầu gỡ bỏ nội dung không phù hợp…".

Chiều 25/8, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, thông tin về trang facebook của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) sử dụng bản đồ của Trung Quốc với "đường lưỡi bò" được nêu ra.

Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hằng - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - nhấn mạnh: "Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là đường chín đoạn cũng như các yêu sách biển trái với các công ước quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982".

Việt Nam phản đối việc tổ chức khí tượng dùng bản đồ đường lưỡi bò - 1

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng (Ảnh: NQ).

Việt Nam cho rằng, mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá, đăng tải nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông đã được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là vô giá trị.

"Việt Nam yêu cầu các quốc gia, các tổ chức tôn trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển liên quan ở Biển Đông; gỡ bỏ, sửa đổi nội dung không phù hợp" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ.

Theo bà Hằng, đại diện phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơnevơ đã trao đổi với đại diện Tổ chức khí tượng thế giới về việc này.

WMO là một cơ quan chuyên môn thuộc Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Thụy Sĩ. Ngày 23/8, WMO đăng bài trên facebook chính thức về tình hình khí hậu, hạn hán ở Trung Quốc, trong đó sử dụng bản đồ "đường lưỡi bò", bao gồm quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa của Việt Nam. Bên dưới bài đăng này, hàng trăm bình luận của cộng đồng mạng Việt Nam nêu ý kiến phản đối việc WMO sử dụng bản đồ này và yêu cầu gỡ bỏ.

Việt Nam phản đối việc tổ chức khí tượng dùng bản đồ đường lưỡi bò - 2

Hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" xuất hiện trên trang web của Tổ chức Khí tượng thủy văn thế giới.

"Đường lưỡi bò" hay còn gọi "đường chín đoạn" là yêu sách mà Trung Quốc đơn phương đưa ra, chạy sát bờ biển của các nước có chung Biển Đông, có đoạn chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 50-100 km; chạy sát bãi James Shoal của Malaysia và đảo Natuna của Indonesia, đảo Luzon thuộc quần đảo Philippines và chiếm đến 80% diện tích Biển Đông. Ban đầu "đường lưỡi bò" gồm 11 đoạn, đến năm 1953 đã được điều chỉnh thành 9 đoạn, bỏ 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ.

Năm 2009, Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phản đối việc Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Trung Quốc đã gửi kèm một bản đồ thể hiện yêu sách "đường lưỡi bò" trên Biển Đông.

Công hàm này là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về yêu sách "đường lưỡi bò" và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố bản đồ "đường lưỡi bò" với toàn thế giới.

Yêu sách "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế. Yêu sách này bị bác bỏ vì hoàn toàn không có cơ sở lịch sử, pháp lý và thực tiễn.

Năm 2016, tòa thường trực quốc tế ở Hà Lan đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích vùng biển này.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/viet-nam-phan-doi-viec-to-chuc-khi-tuong-dung-ban-do-duong-luoi-bo-20220825164039134.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/viet-nam-phan-doi-viec-to-chuc-khi-tuong-dung-ban-do-duong-luoi-bo-20220825164039134.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam phản đối việc tổ chức khí tượng dùng bản đồ 'đường lưỡi bò'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO