Ngày 15/7, Bộ Ngoại giao có thông cáo trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam nhân dịp 7 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra phán quyết cuối cùng.
Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông giữa các bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông.
Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS.
Trước đó, vào ngày 12/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cũng kêu gọi Bắc Kinh "giải quyết các yêu sách hàng hải tuân thủ theo luật pháp quốc tế".
Ông Miller kêu gọi Bắc Kinh "chấm dứt việc can thiệp vào quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời chấm dứt sự can thiệp vào quyền tự do hàng hải và hàng không của các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực".
Nhân dịp 7 năm phán quyết được đưa ra, phía Philippines tuyên bố đây là điều không thể tranh cãi cũng như không thể thỏa hiệp. Manila đồng thời khẳng định sẽ bác bỏ những nỗ lực làm suy yếu hiệu lực pháp lý của phán quyết theo luật pháp quốc tế.
Ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn khởi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực La Hay, Hà Lan về một số khía cạnh liên quan đến tranh chấp giữa hai nước này ở Biển Đông. Sau quá trình tố tụng kéo dài 3 năm, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết cuối cùng.
Phán quyết của Tòa đã bác bỏ toàn bộ yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, kết luận yêu sách của Trung Quốc về "đường chín đoạn" (hay "đường lưỡi bò") không có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay vẫn ngang nhiên tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa.