Việt Nam hiện thực hóa chiến lược công nghiệp bán dẫn

29/12/2024 13:46

Chiến lược công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang dần hiện thực hóa nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư khi rất nhiều tập đoàn toàn cầu lớn bày tỏ quan tâm mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Gần đây, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Năm 2023 tổng doanh thu ước đạt 529 tỷ USD. Năm 2024, dự báo thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm ngoái để đạt giá trị khoảng 626,9 tỷ USD.

Cơ hội trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự phát triển vô cùng nhanh chóng của một số ngành: công nghiệp ô tô điện, công nghiệp viễn thông, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo, ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt đến 1000 tỷ USD vào năm 2030.

Sự bùng nổ này tạo ra vận hội lớn cho nhiều quốc gia tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, mang đến thời cơ cho phép các quốc gia đang phát triển có cơ hội tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả phát triển ngành bán dẫn.

Quyết định 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được ban hành trong bối cảnh hiện nay mang ý nghĩa vô cùng to lớn với sứ mệnh kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, năm 2024, Việt Nam đón hàng loạt chuyến thăm của các “ông chủ” tập đoàn công nghệ lớn về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Điều này cho thấy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các tập đoàn công nghệ toàn cầu.

Tại phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua các cơ quan của Việt Nam đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, Lam Research, Qorvo, AlChip và có các công ty “đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam”.

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư bán dẫn, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Các bên phát triển trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.

Riêng với Nvidia, Bộ trưởng cho biết đã được Thủ tướng giao phối hợp với cơ quan liên quan thành lập hai tổ, bao gồm Tổ công tác triển khai hợp tác và Tổ đàm phán với Nvidia, nhằm thu hút đầu tư, cụ thể hóa phương án hợp tác và “đã đạt được nhiều kết quả đột phá”.

Cụ thể, ngày 5/12, Chính phủ và Tập đoàn Nvidia ký kết hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Thỏa thuận được đánh giá là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ thời gian tới, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn

Hiện, Nvidia cũng liên tục tuyển dụng các vị trí kỹ sư, quản lý tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, những kết quả này này đem lại tiếng vang lớn và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, là điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Hiện thực hóa chiến lược công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp - Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đa dạng hóa nguồn cung với mô hình "X+1", không chỉ về sản xuất mà ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn.

“Các nước đã có công nghiệp bán dẫn, hoặc một phần của công nghiệp bán dẫn, đều muốn có thêm một cơ sở nữa ở nước khác để bảo đảm an toàn. Việt Nam có quan hệ chiến lược tốt đẹp với hầu hết các cường quốc công nghiệp bán dẫn nên có thể là một trong ít nước “+1” này và có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn”, ông Lịch cho hay.

“Công nghiệp bán dẫn là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số quy định Chương “Công nghiệp bán dẫn” thay cho “vi mạch bán dẫn” nhằm bảo đảm tính bao quát, tổng thể, đầy đủ các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn. Dự thảo giao Chính phủ xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách riêng để phát triển trong từng thời kỳ”, ông Nguyễn Khắc Lịch cho hay.

Đây là một nội dung rất quan trọng trong bối cảnh công nghiệp bán dẫn trở thành ngành công nghiệp chủ chốt có vai trò ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế, xã hội; đồng thời nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư khi rất nhiều tập đoàn toàn cầu lớn bày tỏ quan tâm mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Theo vov.vn
https://vov.vn/kinh-te/viet-nam-hien-thuc-hoa-chien-luoc-cong-nghiep-ban-dan-post1145209.vov
Copy Link
https://vov.vn/kinh-te/viet-nam-hien-thuc-hoa-chien-luoc-cong-nghiep-ban-dan-post1145209.vov
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam hiện thực hóa chiến lược công nghiệp bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO