Theo thông tin từ Bộ TT&TT, trong năm nay, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia hiện dẫn đầu về việc gia tăng xuất khẩu chip bán dẫn vào thị trường Mỹ.
Đáng chú ý khi Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu của Mỹ trên toàn thế giới trong 7 tháng liên tiếp. Xét về mặt doanh số, Việt Nam đứng hạng 3 châu Á, sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) trong việc xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ.
Tuy vậy, trừ một số ít doanh nghiệp có khả năng thiết kế chip như Viettel, FPT, lượng chip xuất khẩu từ Việt Nam đa phần được các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp, kiểm định.
Thực tế cho thấy, vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại. Công nghiệp vi mạch bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng khi tham gia vào hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa.
Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), doanh số của lĩnh vực vi mạch bán dẫn toàn cầu hiện đạt khoảng 600 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang tìm cách tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Trong một chia sẻ mới đây với VietNamNet, ông Daniel Lin, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh tại các thị trường mới nổi MediaTek cho rằng, Việt Nam có cơ hội trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu nếu làm tốt mảng sản xuất và có những thiết kế mang tính đổi mới sáng tạo.
Theo chuyên gia của MediaTek, Việt Nam nên cân nhắc đầu tư vào khâu sản xuất trong ngành công nghiệp chip bán dẫn. Có thể bắt đầu từ những khâu đơn giản như thiết kế vi mạch, xây dựng nhà máy, các phòng thử nghiệm, quy trình đóng gói, phát triển các dịch vụ phần mềm,... trước khi tăng dần cấp độ làm chủ.
Việt Nam hiện có 20 công ty làm việc trong lĩnh vực IC Design với khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế. Việt Nam có thể đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn trên bình diện toàn cầu.