Vì sao TPHCM vẫn còn kiểu chạy xe 'điền vào chỗ trống'?

Tâm Linh| 15/09/2023 17:45

Đó là vấn đề được đại biểu TPHCM đặt ra cho cơ quan giao thông thành phố, trước thực trạng các loại xe chiếm dụng phần đường dành cho người đi bộ và người khuyết tật trên phố.

Sáng 15/9, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên họp giải trình về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố.

Phiên họp tổng kết tình hình hoạt động giao thông nửa đầu năm 2023, trong đó, các đại biểu và cơ quan chức năng đã thảo luận nhiều vấn đề giao thông, cả chuyển biến tích cực lẫn vướng mắc, khó khăn.

Tình trạng xe chạy leo lề đường hàng ngày vẫn diễn ra - đó là một trong những tồn tại của giao thông đường bộ nhất là trong nội đô TPHCM, được ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng Ban chuyên trách An toàn giao thông (ATGT), thừa nhận.

Vì sao TPHCM vẫn còn kiểu chạy xe điền vào chỗ trống? - 1

Xe máy cố tình lách qua thanh chắn đi lên vỉa hè dù dưới lòng đường cùng chiều và trống trải ở quận 1 (Ảnh: Quốc Anh).

Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP lên tiếng: Việc rào chắn vỉa hè trên các lề đường được cho là giải pháp để ngăn chặn xe cộ. Tuy nhiên, nếu nhìn lại chức năng chính của vỉa hè là dành cho người đi bộ, xe lăn, thì những thanh chắn xe ngăn phương tiện cơ giới được dựng lên có nghĩa lý gì?

"Liệu việc rào chắn vỉa hè có đang hạn chế việc tiếp cận giao thông của người đi xe lăn hay không, thay vì mục đích ngăn xe cơ giới vi phạm", nữ đại biểu đặt câu hỏi cho các cơ quan giao thông trong buổi họp.

Từ đó, đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc kiến nghị lãnh đạo thành phố cần quan trọng hóa cải thiện hạ tầng giao thông đường bộ trong việc xóa bỏ rào cản trên các vỉa hè, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng yếu thế tham gia giao thông đặc biệt là người khuyết tật, đi xe lăn.

Vì sao TPHCM vẫn còn kiểu chạy xe điền vào chỗ trống? - 2

Xe máy và người đi bộ "giành nhau" lối băng qua thanh chắn vỉa hè ở một tuyến đường quận 1 (Ảnh: Quốc Anh).

Đại biểu Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, cũng nêu hiện trạng người tham gia giao thông thường chạy xe lên lề đường khi kẹt xe. Ông đặt câu hỏi: Liệu có phải chỉ do ý thức của người dân hay còn nguyên nhân nào.

Phó trưởng Ban chuyên trách ATGT nêu thực trạng: Ai cũng có thể thấy cảnh xe chạy trên vỉa hè, nhất là vào giờ cao điểm khi cả tuyến đường lâm vào cảnh kẹt xe. Số vi phạm này tập trung vào người điều khiển xe máy, xe đạp.

Qua phân tích của ban ATGT, nguyên nhân của tình trạng này do quá tải hạ tầng giao thông so với số lượng và lưu lượng phương tiện. Đường nhỏ xe đông, khi ùn ứ sẽ xuất hiện kiểu "điền vào chỗ trống", người lái xe bất chấp chiếm dụng mọi lối đi mà không cần biết đó là phần đường quy định dành cho ai.

"Nguyên do của tình trạng này còn xuất phát từ ý thức người tham gia giao thông - khi thấy lực lượng chức năng hay camera thì chấp hành khá nghiêm túc, còn không thấy thì lưu thông tùy tiện, tiện cho bản thân mình là được, ít quan tâm đến ảnh hưởng lưu thông và an toàn của người khác", ông Nguyễn Thành Lợi phản ánh.

Vì sao TPHCM vẫn còn kiểu chạy xe điền vào chỗ trống? - 3

Người điều khiển xe máy leo lên vỉa hè quay đầu bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng ở một tuyến đường quận 1 (Ảnh: Đình Thảo).

Lãnh đạo Ban ATGT cũng cho biết, kiểu lưu thông "điền vào chỗ trống" nhất là khi kẹt xe cũng càng gây khó cho lực lượng chức năng trong việc tháo gỡ tại các điểm ùn tắc.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Thành Lợi đưa ra một số hoạt động nhằm khắc phục tình trạng trên. Thời gian qua Ban ATGT đã triển khai các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhà trường và người dân; phối hợp với các đơn vị chức năng của TP và địa phương tuyên truyền vận động người dân biết và tuân thủ các quy định tham gia giao thông.

"Việc tuân thủ các quy định tham gia giao thông trước hết là để đảm bảo ATGT cho chính bản thân mỗi người, sau là tạo thành văn hóa giao thông văn minh cho thành phố", Phó trưởng Ban chuyên trách ATGT TPHCM nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao TPHCM vẫn còn kiểu chạy xe 'điền vào chỗ trống'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO