Vì sao ông Công ông Táo chỉ cưỡi cá chép khi về chầu trời ?

Ngọc Ánh (T/H)| 02/02/2024 10:12

Nhiều người không khỏi thắc mắc, vì sao 23 tháng Chạp tiễn ông Công - ông Táo về chầu trời lại bắt buộc phải có cá chép.

Vì sao cúng ông Công ông Táo cần có cá chép?

Tục lệ dâng cá chép rồi phóng sinh sau lễ cúng ngày 23 tháng Chạp đã có từ thời xa xưa. Dân gian tin rằng vào ngày này, các vị thần Bếp sẽ lên trời báo cáo lại tất cả những việc tốt xấu của gia chủ trong một năm.

Vì vậy, các gia đình đều làm lễ cúng tiễn Táo quân. Trong số lễ vật có 3 con cá chép đỏ còn sống khỏe được thả trong chậu nước.

Việc này xuất phát từ câu chuyện câu chuyện “Cá chép vượt vũ môn để hóa rồng”. Theo đó, một năm nọ, vì khí hậu quá khô hạn, Trời đã mở một cuộc thi để tìm một con vật dưới nước có thể lên làm rồng. Cuộc thi có 3 vòng với 3 đợt sóng dữ dội, và bất kỳ con vật nào vượt qua sẽ biến thành rồng.

Tranh cá chép vượt vũ môn. (Ảnh: Pinterest)
Tranh cá chép vượt vũ môn. (Ảnh: Pinterest)

Trong số những loài vật tham gia, cá chép đã chiến thắng bằng sự quyết tâm và không nản lòng. Dù sóng có mạnh, gió có dữ dội đến thế nào đi nữa, cá chép vẫn nỗ lực, kiên trì vượt qua và đi thẳng đến cửa vũ môn. Từ đó, cá chép biến thành rồng và bay lên trời, phun mưa cho tất cả mọi người và khôi phục lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch - Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, sở dĩ có quan niệm này là bởi “Trong tiềm thức dân gian người Việt xưa, cá chép có thể hóa rồng và bay lên được. Vì vậy, người Việt đã việt hóa phong tục cúng ông Công ông Táo và chọn cá chép làm phương tiện để táo bay lên trời”.

Nói về vấn đề này, Giáo sư Trần Lâm Biền cũng chia sẻ thêm, trong âm dương, cá chép tượng trưng cho tính âm, đồng nhất với mặt trăng, vì vậy được cho là có thể bay lên trời được.

Ngoài ra, cá chép cũng được xem là con vật tượng trưng cho sức khỏe và sự an lành, mang lại sung túc, tài lộc và may mắn. Hơn nữa, cá chép cũng là một con vật của Thiên đình vì đã trở thành rồng. Do đó, cá chép trở thành một loài động vật linh thiêng và được sùng bái không kém gì rồng.

Thả cá chép đúng cách

Thả cá chép đúng cách là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ để cá còn có cơ hội được sống. Khi thả cá, dùng tay từ từ nghiêng miệng bao nilon hoặc đồ đựng cá xuống dưới mặt nước để cá tự bơi ra. Không nên dùng tay chạm vào cá vì có thể làm mất lớp nhầy trên vảy cá, khiến cá dễ bị nhiễm trùng và chết.

Thả cá chép

Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống sông, hồ, khiến cá không thể sống được. Không phóng sinh cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội để sống sót.

Sau khi thả cá, nên quan sát xem cá đã bơi khuất chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt, hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị sóng xô dạt lại vào bờ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao ông Công ông Táo chỉ cưỡi cá chép khi về chầu trời ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO