Vào mùa nắng nóng, coi chừng ngộ độc thực phẩm

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 04/07/2022 17:47

Theo các bác sĩ với thời tiết nắng nóng như hiện nay, đặc biệt là các tỉnh thành phía Bắc sẽ làm tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Người dân cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe.

images1355586_1-1606139911465.jpeg
Mùa hè nhiều thực phẩm dễ phát sinh vi khuẩn - Ảnh: Internet

Nhiều người bị ngộ độc

Thống kê tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho thấy, trong nửa đầu tháng 6-2022, đã có khoảng gần 150 trường hợp nhập viện nghi do ngộ độc tiêu hóa. Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như đau bụng, nôn, đại tiện phân lỏng, sốt, mất nước điện giải, suy thận.

Qua khai thác thông tin các trường hợp này đều liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm như sau đi ăn tiệc, ăn hàng quán không đảm bảo vệ sinh, hoặc mua và chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm không được bảo quản đúng cách... Và đa số là những người trong cùng một gia đình.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – giám đốc Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai – cho biết thời gian gần đây bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân là thời tiết nắng nóng và vấn đề bảo quản thực phẩm.

Nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách, không bảo đảm an toàn thì thực phẩm rất dễ bị nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây ngộ độc. Trong mùa hè, những thực phẩm dễ bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là các loại thực phẩm chín, như: Thịt nướng, chả nướng, hải sản nướng, đồ ăn chế biến sẵn, rau sống, quả tươi, thịt sống (tiết canh, nem chua, nem chạo)…

photo11522225886652817028287.jpeg
cẩn trọng với ngộ độc thực phẩm mùa hè - Ảnh: Internet

Nguy hiểm từ thực phẩm chế biến sẵn

Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hà - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cho biết nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng thường là do sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm không được bảo quản đúng cách, khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố hoặc bị biến chất.

Dưới thời tiết nắng nóng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn. Ngoài ra việc lựa chọn các thực phẩm không tươi, có mầm bệnh, sau đó trữ đông để sử dụng cũng rất nguy hiểm.

Cụ thể, các tác nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể do các độc tố của vi khuẩn, thường gặp là vi khuẩn Salmonella, E.Coli, do nhiễm virus hay ký sinh trùng. Ngoài ra có thể do thực phẩm bị nhiễm độc chất hoá học, chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm hoặc do thực phẩm bị hư hỏng, biến chất sinh ra độc tố. Tùy theo tác nhân gây độc tố, sẽ có các biểu hiện triệu chứng dạ dày, ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác.

Trường hợp người bệnh ở mức độ nhẹ cơ thể sẽ bị mất nước, mệt mỏi. Đối với trường hợp bệnh nặng, có thể gây sốc, tổn thương cơ quan và thậm chí tử vong.

Bác sĩ Hà cho biết dấu hiệu để nhận biết sớm cơ thể bị ngộ độc thực phẩm thường là buồn nôn, nôn nhiều lần hay nôn liên tục, đau bụng, tiêu chảy, đi tiêu ra máu, sốt. Ngoài ra nếu thấy khát nước, khô miệng, co rút cơ, chóng mặt, nước tiểu vàng sậm, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị mất nước nặng. Khi bệnh tiến triển nặng, sẽ có các triệu chứng như tiêu phân lỏng trên 6 lần ngày, sốt trên 38,5 độ không giảm, ói hoặc đi tiêu ra máu...

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thức ăn, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra các lưu ý dưới đây.

Người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm.

Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện "ăn chín, uống sôi".

Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt lợi và hại của chiếc tủ lạnh. Cục An toàn thực phẩm lưu ý, tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Vì thế nếu dự trữ quá nhiều thực phẩm, không khí lạnh không lưu thông được sẽ làm thực phẩm nhanh hỏng hơn.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần sơ chế thực phẩm trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Không để thực phẩm chính chung với thực phẩm sống vì dễ bị lây nhiễm chéo... làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm.

Như vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm thì người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm.

Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vào mùa nắng nóng, coi chừng ngộ độc thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO