Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) đã cập nhật dữ liệu quan trắc giao thông vào mô hình giao thông hiện hữu để đánh giá tình trạng giao thông quý II năm nay.
Theo đánh giá của trung tâm, tình hình giao thông thành phố trong tháng 4, 5, 6 đã có nhiều chuyển biến so với quý I. Tuy nhiên, thông tin cảnh báo tại các điểm có nguy cơ vẫn còn khá cao, một số tuyến đường có mật độ phương tiện gia tăng đáng kể, xe chạy với vận tốc trung bình 33,82 km/h.
Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đã có ghi nhận tình hình giao thông tại từng khu vực của thành phố. Vận tốc trung bình của các tuyến đường chính ở khu vực phía Bắc (quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi) chậm nhất: 28,58km/h.
Trong đó, các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông gồm xung quanh nút giao An Sương, đường Tô Ký (đoạn từ đường Đông Bắc đến cầu vượt Quang Trung), nút giao Nguyễn Văn Quá - quốc lộ 1, quốc lộ 1 (đoạn đường Tô Ngọc Vân - Hà Huy Giáp) có mật độ lưu lượng phương tiện khá cao, tình hình giao thông còn rất phức tạp.
Khu vực phía Tây (quận 6, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh) có số liệu vận tốc trung bình trên các tuyến đường chính là 31,89km/h.
So với quý I, lưu lượng phương tiện trên khu vực này vẫn rất đông đúc. Một số điểm có nguy cơ ùn tắc cao gồm: Vòng xoay Phú Lâm, đường Hồng Bàng (đoạn Minh Phụng - Tân Hóa) ở quận 6; ngã tư Bốn Xã (quận Tân Phú) và giao lộ Vĩnh Lộc - Nguyễn Thị Tú - Quách Điêu (huyện Bình Chánh).
Trong trung tâm thành phố (quận 1, 3, 5, 6, 10, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), vận tốc lái xe trung bình trên các tuyến đường chính là 33,35km/h.
Trên tất cả tuyến đường, mật độ phương tiện tăng lên, mức độ phục vụ giao thông trung bình tại khu vực này là trên 50%, một số tuyến đường có mức độ phục vụ rất cao.
Trong đó, khu vực đường Điện Biên Phủ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - cầu Điện Biên Phủ vẫn còn rất đông vào giờ cao điểm, không giảm sau nhiều năm. Nút giao thông vòng xoay Hàng Xanh thường xuyên xảy ra xung đột giữa các dòng xe vào giờ cao điểm, nguyên nhân được đánh giá là do mật độ phương tiện tăng cao và thời lượng đèn tín hiệu tại giao lộ chưa đáp ứng để giải tỏa ùn tắc.
Các tuyến đường có mật độ phương tiện tăng đáng kể trong quý II là Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Võ Thị Sáu (quận 3).
Ngoài ra, còn có một số nút giao thông xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ như Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng - Nguyễn Xí; Cộng Hòa - C18 - Trường Chinh có mức độ phục vụ phương tiện rất cao.
Khu vực phía Nam (, 8, các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè) ghi nhận vận tốc trung bình các tuyến đường chính là 33,67km/h.
Theo kết quả quan trắc, mật độ phương tiện khu vực này tăng cao so với đầu năm, xuất hiện trở lại các điểm ùn tắc giao thông không có chuyển biến giảm như: khu đường Dương Bá Trạc - cầu Kênh Xáng, dọc tuyến đường cầu Kênh Tẻ, đường Nguyễn Tất Thành...
Còn lại giao thông khu vực phía Đông ở TP Thủ Đức thông thoáng hơn, vận tốc trung bình của các tuyến đường chính là 41,59km/h.
Tuy nhiên vẫn còn các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông cao như đường Nguyễn Duy Trinh, vòng xoay Mỹ Thủy (đoạn đường Võ Chí Công và quanh cảng Cát Lái), nút giao An Phú, ngã tư Thủ Đức, ngã tư Bình Thái...