Văn học mạng: Vàng - Thau lẫn lộn

An Thanh| 10/08/2023 15:58

Cùng với sự phát triển của Internet, ngày càng nhiều tác giả sử dụng mạng xã hội làm hình thức truyền tải các tác phẩm văn học của mình. Chính sự mênh mông vô tận của các trang mạng và sự dễ dãi trong việc tải các tác phẩm lên mạng đã khiến độc giả phải sống chung giữa “vàng” và “rác”.

screenshot-1-(2).png
Một trang giới thiệu các truyện trên mạng.

Văn học mạng là một hiện tượng không thể phủ nhận trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với công nghệ thông tin. Mạng xã hội mang đến sân chơi mới, nơi các tác giả có thể vui vẻ, thoải mái trong việc viết lách, không bị áp lực hay ràng buộc bởi bất kỳ quy chuẩn hay quy tắc nào, tự do sáng tạo, tự do biểu đạt và tự do giao tiếp.

Tuy nhiên, văn học mạng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ. Ngoài những tác giả có tên tuổi, dùng mạng xã hội để quảng bá, mang tác phẩm của mình đến gần với bạn đọc hơn thì còn có những cây bút trẻ xem đây là cơ hội thể hiện bản thân, giao lưu và chia sẻ với người đọc. Nhiều bạn trẻ đã thành công để lại tên tuổi trong lòng bạn đọc, bên cạnh đó cũng có nhiều người nuôi dưỡng những tác phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại.

Nhiều tác phẩm trên mạng xã hội chỉ là những bản sao, những bản đạo, nhái hay bản lậu của văn học truyền thống. Một số khác lại mang tính thương mại, giải trí đi cùng lời nói và cách thể hiện không có trách nhiệm, không có tâm, không có tầm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, văn học mạng lại chưa có sự kiểm soát, quản lý hay định hướng nào để lọc những tác phẩm chất lượng.

Nhìn chung, các tác phẩm kém chất lượng đều mang nội dung eo hẹp, viết theo xu hướng hoặc theo yêu cầu của người đọc, không có sự tự do sáng tạo hay phản ánh đời sống câu chữ không sâu sắc, thiếu nhân văn. Thậm chí còn sao chép hoặc đạo văn từ các tác phẩm khác, vi phạm bản quyền và đạo đức nghề nghiệp. Nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hiểu biết thêm vào đó kỹ năng văn học không thành thạo của tác giả. Thêm vào đó, tầm nhìn hạn hẹp, không có sự đối chiếu hay phản ánh với thực tiễn xã hội, mà chỉ xoay quanh những chủ đề nhạy cảm, gây sốc hoặc lấy lòng độc giả khiến cho câu chuyện trở nên cằn cỗi và xa rời với thực tế.

Quế Chi (21 tuổi, Long An) cho biết, nội dung của nhiều bộ truyện, tiểu thuyết chỉ có nội dung hướng đến sự kích thích, thỏa mãn của người đọc, mà không có sự giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn: “Chiếm phần lớn trong nội dung truyện là chi tiết sex hoặc bạo lực, không phù hợp với lứa tuổi, đạo lý và thuần phong mĩ tục của người Việt. Dường như đa phần truyện nào cũng dày đặc bi kịch, khổ đau cho nhân vật chính, khiến cho người đọc cảm thấy thương xót hoặc tự ái. Chi tiết dông dài, thừa thãi hoặc không liên quan đến cốt truyện, chỉ để làm dài câu chuyện hoặc làm cho người đọc tò mò. Bực mình nhất là những bộ truyện còn không có sự kết thúc rõ ràng, hợp lý, chỉ để ngỏ hoặc kéo dài để thu hút người đọc tiếp theo”.


Cô bạn cũng đề cập đến việc một số tác giả không có sự am hiểu và tôn trọng về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử của dân tộc, dẫn đến việc sử dụng ngôn ngữ sai lệch, lẫn lộn giữa các phương ngữ hoặc các ngôn ngữ khác. “Mình thấy có những tác phẩm không phù hợp với thuần phong mĩ tục của người Việt Nam. Hay một bộ phận độc giả độc các tác phẩm nước ngoài có những câu từ xúc phạm nước ta, tư duy không đúng đắng vẫn đọc. Một bộ phận tác giả không sử dụng từ ngữ thuần Việt mà sử dụng từ ngữ "lậm" Trung Quốc”, Quế Chi phản ánh.

Không chỉ vậy, sự dễ dãi của độc giả cũng dung túng cho sự phát triển của văn học “rác”. Nhiều độc giả cũng chỉ thích đọc những tác phẩm dễ hiểu, dễ cảm thông, dễ thỏa mãn nhu cầu giải trí hoặc thỏa mãn ham muốn của bản thân, không có ý thức phê bình hay phản biện, mà chỉ biết khen, chê một cách thiếu khách quan.

Điểm chung của nhiều tác phẩm văn học trên mạng ở thời điểm hiện tại là đều không có gì mới mẻ, đột phá hay sáng tạo. Hầu hết các tác phẩm đều thuộc vào các thể loại đã quen thuộc, như tiểu thuyết ngôn tình, tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết xuyên không, tiểu thuyết đam mỹ, tiểu thuyết huyền huyễn, truyện tranh, truyện ngắn, thơ,… cốt truyện lặp đi lặp lại, không có gì ấn tượng hay bất ngờ.

Trương Thị Hằng Nga (20 tuổi, Quảng Bình) nói rằng cô bạn đã quá ngán ngẩm với motip truyện cũ rích trên mạng: “Rất nhiều tác phẩm chỉ dựa vào những mẫu chuyện đã có sẵn, như chuyện tình cảm giữa hai người thuộc hai thế giới khác nhau, chuyện phiêu lưu giữa các vùng đất kỳ bí, chuyện đấu tranh giữa thiện và ác,… Các tác phẩm cũng không có sự phong phú và đa dạng về nhân vật, mà chỉ xoay quanh những nhân vật tiêu biểu, như nữ chính xinh đẹp, thông minh, dũng cảm, nam chính đẹp trai, giàu có, lãnh khốc, phản diện xấu xa, độc ác, bạn bè hay gia đình của nhân vật chính,… Các tác phẩm cũng không có sự phát triển và thay đổi của nhân vật theo thời gian và hoàn cảnh, mà chỉ duy trì một tính cách và một quan điểm suốt câu chuyện”.

Điều đáng buồn trong việc giải quyết vấn nạn “vàng thau lẫn lộn” của văn học mạng là chưa có một giải pháp quản lý hữu hiệu nào để sàng lọc các tác phẩm chất lượng. Hiện nay, văn học mạng là một lĩnh vực khá mới và chưa được quy định rõ ràng về các tiêu chuẩn, quy trình và trách nhiệm của các bên liên quan.

Việc thu hút, giữ chân người dùng là ưu tiên hàng đậu của các nhà cung cấp dịch vụ mạng, không có sự kiểm duyệt hay đánh giá chất lượng của các tác phẩm. Cơ quan chức năng chỉ quan tâm đến việc ngăn chặn, xử lý những tác phẩm vi phạm pháp luật, không có sự khuyến khích, bảo vệ những tác phẩm có giá trị. Các tổ chức văn hóa và văn học lại chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động, sự kiện liên quan đến văn học truyền thống, không có sự quan tâm hay hỗ trợ nào cho văn học mạng.

Vấn nạn “vàng thau lẫn lộn” ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị của văn học, cũng như đến tâm hồn, trí tuệ của người đọc. Để giải quyết vấn nạn này, cần có sự nỗ lực, cống hiến của các tác giả, các nhà xuất bản, cơ quan chức năng, tổ chức cùng độc giả. Chỉ có như vậy, văn học mạng mới có thể phát triển bền vững, góp phần vào sự phong phú, đa dạng của văn hóa và văn học Việt Nam.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Văn học mạng: Vàng - Thau lẫn lộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO