Chiều 24/6, với 475/478 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trước khi thông qua Nghị quyết, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Trước đó, Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng: LĐTB&XH, KH&CN, GTVT; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các thành viên Chính phủ.
Với lĩnh vực GTVT, Quốc hội yêu cầu Bộ GTVT cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm.
Trong năm 2023, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT. Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 3.000km đường cao tốc và cơ bản thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Quốc hội lưu ý, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có sai phạm trong hoạt động đăng kiểm; khẩn trương khắc phục khó khăn, vướng mắc, đưa hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực GTVT.
Tổng thư ký Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp để giảm chi phí quản lý, giảm giá vé, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Vietnam Airlines; tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines, bảo đảm minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các nội dung này không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội cũng không đặt ra các vấn đề liên quan tới Vietnam Airlines.
Mặt khác, việc đấu giá biển số ô tô không trực tiếp liên quan đến nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin không bổ sung nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết.
Với lĩnh vực LĐTB&XH, Quốc hội yêu cầu Bộ LĐTB&XH rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng.
Cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo đảm mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Quốc hội cho rằng, cần khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH và các hành vi gian lận, trục lợi khác, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.