Nhận được giấy gọi của Toà án, chồng chị Quỳnh "lồng lên", đùng đùng ném quần áo, tống cổ vợ ra khỏi nhà. Chị Quỳnh không phản ứng trước hành động vô lý của chồng vì biết, anh vẫn chứng nào tật ấy, hung hăng đe doạ vợ mỗi khi không vừa ý mình.
Những lần trước, chị Quỳnh thường tìm cách "lánh" đi đâu đó vài tiếng, khi chồng nguôi cơn thịnh nộ, chị mới quay về nhà. Lần này, cứ để anh chửi bới, quăng đồ, chị bình tĩnh gọi điện thoại cho công an xã, trưởng thôn, cán bộ Hội phụ nữ đến chứng kiến và lập biên bản về hành vi của chồng.
Tất cả chứng cứ này, chị nộp bổ sung vào hồ sơ gửi toà án, củng cố thêm cơ sở để giải quyết việc ly hôn.
Từ hôm ấy, chuyện chị Quỳnh đòi bỏ chồng lan khắp làng trên xóm dưới. Người ta bàn tán, bình phẩm, lời ra tiếng vào. Cũng phải, vì từ trước tới nay, chuyện vợ chồng trẻ ly hôn không lạ nhưng vợ chồng U60, đã lên ông lên bà rồi mà còn bỏ nhau (đã thế còn là vợ chủ động bỏ chồng) thì trường hợp nhà chị Quỳnh là đầu tiên.
Lúc đầu, nghe "điều ong tiếng ve", chị Quỳnh cũng cảm thấy áp lực bởi dư luận. Nhưng cứ nghĩ đến 10 năm, 20 năm tiếp theo sẽ phải nhẫn nhịn và chịu đựng nhau, chị Quỳnh lại thấy rùng mình vì sợ. Nội lực và lòng can đảm bị phủ lấp bởi thói quen chịu đựng từ mấy mươi năm trỗi dậy, chị muốn giải phóng bản thân.
Một người bạn của chị Quỳnh hỏi: "Sao cả tuổi trẻ đẹp đẽ bà chấp nhận một cuộc hôn nhân không như ý. Đến giờ, tuổi ngả về chiều, người ta mong có cặp có đôi để dựa vào nhau, êm ấm tuổi già thì bà lại làm chuyện ngược đời thế?".
Chị Quỳnh cười nhẹ, nói: "Chớp mắt hết một đời người nhưng mỗi ngày trôi qua thì lâu lắm. Chính vì tôi chấp nhận sống với một cuộc hôn nhân không như ý, chiều theo thói ngang ngược, gia trưởng của chồng nên tự tôi đã khiến cho một ngày của tôi dài gấp 3-4 lần một ngày của người khác.
Nếu cứ tiếp tục nhẫn nhịn thì cả cuộc đời này, tôi chỉ biết sống vì hai tiếng "chịu đựng" mà thôi. 30 năm hôn nhân, đi qua bao lo toan, "sóng gió" cuộc đời mà cái tình cái nghĩa vợ chồng không làm thay đổi được nhau theo chiều hướng tốt đẹp, tư tưởng "chồng chúa vợ tôi" trong gia đình càng ăn sâu bám rễ thì dù có cố sống với nhau đến đầu bạc răng long cũng chẳng bao giờ có hạnh phúc".
Nhiều người không đồng quan điểm với chị Quỳnh nhưng cũng không ít người ủng hộ chị lựa chọn cuộc sống tự do.
"Về già, ăn bao nhiêu, mặc bao nhiêu đâu. Trung niên trở ra, cuộc sống quan trọng nhất là tư tưởng và sức khoẻ. Thế nên, không việc gì phải chịu đựng và hy sinh vô ích. Vợ chồng có yêu thương nhau mới có nhu cầu chăm sóc nhau về già.
Tuổi trẻ sống lỗi với nhau thì về già mong gì dựa vào nhau để sống. Hôn nhân bình đẳng, không thể chỉ có sự hy sinh một phía", em gái chị Quỳnh phân tích, như tạo thêm cho chị gái động lực và sự quyết tâm.
Hỏi thăm qua điện thoại, chị Quỳnh nói với tôi rằng, việc ly hôn của chị đã xong, chỉ còn chờ quyết định của toà án. Hiện chị Quỳnh đã dọn ra khỏi nhà, mượn tạm căn nhà tập thể không dùng đến của cô em gái, để nhà cũ cho mấy bố con, ông cháu ở.
Băn khoăn về tương lai sau này, chị Quỳnh bảo với tôi, phụ nữ sợ nhất là không tự chủ về kinh tế nhưng rất may, chị có công ăn việc làm, sau này có lương hưu và có khoản tiết kiệm phòng thân, nên chị hoàn toàn yên tâm và sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già.
"Nhìn lại cuộc đời đã qua, chưa bao giờ mình sống cho mình theo đúng nghĩa. Từ khi có gia đình riêng, mình chỉ biết sống cho gia đình, vì gia đình mà quên mất bản thân. Thế nên, từ nay, mình muốn thực sự sống vì mình, sống cho mình", chị Quỳnh chia sẻ.
Theo Phụ nữ Việt Nam