Tỷ lệ nội địa hóa chỉ từ 5%-10%, công nghiệp điện tử rất khó bứt phá

13/10/2024 07:14

Tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp điện tử rất thấp, cùng năng lực của các doanh nghiệp nội địa còn hạn chế, dẫn đến sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường và khó xâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công nghiệp điện tử Việt Nam những năm qua đã có những bước tiến vượt bậc. Các DN điện tử hoạt động tại Việt Nam hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu, đa dạng về chủng loại, màu sắc mẫu mã, chất lượng tốt đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới.

Dù đã có những kết quả khích lệ, song thực tế năng lực các DN nội địa trong ngành công nghiệp điện tử vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay chỉ khoảng 5%-10%, các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam được lắp ráp bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu nên có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.

Đánh giá về năng lực của DN đáp ứng cho công nghiệp điện tử, ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch VNPT Technology chỉ rõ, các DN điện tử chủ yếu vẫn đang tham gia vào các công đoạn gia công có giá trị gia tăng thấp, nên vai trò của DN đối với từng sản phẩm điện tử còn rất khiêm tốn. Việc thiết kế, xây dựng kiến trúc cho 1 sản phẩm điện tử vẫn đang thiếu cả về quy mô cũng như nguồn lực.

Do đó, ông Quyền cho rằng, để có thể xây dựng được đội ngũ nghiên cứu phát triển đủ mạnh cả về năng lực và quy mô, tạo ra được các phát minh, sáng chế góp phần phát triển công nghiệp điện tử có giá trị gia tăng cao, cần phải có sự đầu tư thích đáng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, từ các trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ, cho đến các DN kỹ thuật, công nghệ có liên quan.

Ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hanel PT là DN đối tác của Nhật Bản từ lâu năm chia sẻ, khoảng 10 năm gần đây, số lượng DN Việt xuất hiện trong các chuỗi cung ứng sản xuất cơ khí, nhựa và bao bì của Nhật Bản ngày càng tăng. Trong khi đó, ở lĩnh vực điện tử, vẫn chưa nhiều DN Việt đủ kinh nghiệm và khả năng xây dựng hệ thống sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn của Nhật Bản.

Bởi DN Nhật Bản rất chú trọng chất lượng và sự ổn định lâu dài. Vì thế, DN Việt phải có sự đầu tư rất bài bản về hệ thống, chiến lược, quản trị. Con đường chinh phục đối tác Nhật nhanh nhất hiện nay là xây dựng mô hình DN phát triển bền vững dù khá gian nan. Đòi hỏi các DN phải không ngừng đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật mới để tối ưu quy trình sản xuất.

“DN điện tử Nhật Bản rất quan tâm về giá thành. Doanh nghiệp FDI của Nhật Bản ở Việt Nam cũng có lợi thế về nhân công giống như DN Việt Nam. Nếu muốn có điểm cộng, DN Việt cần nâng cao khả năng quản trị nhằm tối ưu chi phí, tìm kiếm những nguồn cung ứng nguyên vật liệu có giá thành cạnh tranh hơn”, ông Tùng chia sẻ.

Nhìn nhận về thực tại của công nghiệp điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, do tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp cùng năng lực của các DN nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, dẫn đến chất lượng sản phẩm điện tử chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường, cũng như của các DN FDI. Sự liên kết giữa các DN cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt, dẫn tới công nghiệp điện tử Việt Nam khó xâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Ngành công nghiệp điện tử, chế biến chế tạo Việt Nam có đặc thù là thâm dụng lao động lớn. Điều đó ngược hẳn với ngành công nghiệp điện tử ở các nước khác trên thế giới khi tập trung vốn và công nghệ. Hiện nay Việt Nam đang phát triển công nghiệp bán dẫn liên quan đến nhiều mảng, từ đầu tư sản xuất đến xử lý quy trình công nghệ, cập nhật công nghệ... Do đó, nhân lực cho ngành này không phải chỉ cần kỹ sư thiết kế vi mạch, mà còn cần hiểu biết quy trình công nghệ sản xuất. Đây là điều Việt Nam đang còn yếu”, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp điện tử. Các DN FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa, bản thân các DN trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các FDI.

Theo đánh giá của ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… “Với việc hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty sản xuất sản phẩm điện và điện tử trên thế giới, từ đó kim ngạch xuất khẩu điện thoại, linh kiện sẽ tạo nên doanh thu kỷ lục trong những năm tới”, ông Tuấn Anh tin tưởng.

Để công nghiệp điện tử thật sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam, rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm… Ngoài ra, cần xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhập lậu…).

Đồng thời, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử, nhằm tạo cơ hội cho các DN này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.

Theo vov.vn
https://vov.vn/kinh-te/ty-le-noi-dia-hoa-chi-tu-5-10-cong-nghiep-dien-tu-rat-kho-but-pha-post1127552.vov
Copy Link
https://vov.vn/kinh-te/ty-le-noi-dia-hoa-chi-tu-5-10-cong-nghiep-dien-tu-rat-kho-but-pha-post1127552.vov
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tỷ lệ nội địa hóa chỉ từ 5%-10%, công nghiệp điện tử rất khó bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO