Sau ngày ông Lê Anh Tú (SN 1983, tên thường gọi là Thích Minh Tuệ) về ẩn tu tại thôn 6 xã Ia Tô, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), dọc hai bên đường vào nhà ông Thích Minh Tuệ, các dịch vụ kinh doanh, buôn bán mọc lên.
Lợi dụng việc đông đảo người dân đến đảnh lễ, nhiều cò đất đã đăng tải thông tin giá đất tại đây 'tăng chóng mặt'. Một trang mạng xã hội đăng tải thông tin “cò đất chia sẻ, khu vực gần nhà thầy Minh Tuệ giá đất bỗng tăng đột biến và đã có nhiều người tới đây mua. Ban đầu giá trị đất là 40 triệu - 50 triệu đồng/m2 nay đã lên 170 triệu đồng/m2. Có suất từ 14 tỷ nay đã chạm mốc 27 tỷ”.
Cũng theo trang mạng này, hiện chưa rõ thực hư ra sao nhưng khu vực nơi cha, mẹ ông Thích Minh Tuệ đang sinh sống ngày nào cũng đông nghịt người.
Ông P.Đ.H. (55 tuổi, trú thôn 6, xã Ia Tô) chia sẻ với PV, vừa qua, một số người từ địa phương khác đến đây hỏi mua đất. Họ trả giá miếng đất có 12m mặt tiền giáp ranh nhà cha, mẹ ông Thích Minh Tuệ nhưng chỉ đặt cọc 300 triệu đồng nên gia đình không đồng ý.
Theo ông P.Đ.H., người dân địa phương nếu có tiền, họ sẽ mua rẫy để làm ăn, phát triển kinh tế chứ không ai mua đất với giá trên trời.
Giá đất tăng đột biến là tin đồn thất thiệt
Xác minh thực hư thông tin giá đất gần nhà ông Thích Minh Tuệ tăng cao, PV. VietNamNet đã trao đổi với ông Trịnh Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Ông Hùng cho biết tình trạng vừa qua có thông tin một số người cò kéo, thổi phồng giá đất lên chứ không thấy có giao dịch mua bán nào.
Tin giá đất tăng đột biến là tin đồn thổi thất thiệt, vị chủ tịch xã khẳng định.
Ông Hùng nói rằng, giá đất tại thôn 6 xã Ia Tô vẫn bình thường, không có biến động gì. Một ha vườn có cây trồng giá trị kinh tế lớn giá cao nhất là 1 tỷ đồng, còn bình thường chỉ từ 600-700 triệu đồng. Giá đất thổ cư khoảng 30-35 triệu đồng/m ngang, chỉ một số vùng nhỏ sát bờ hồ, gần nhà bố mẹ ông Thích Minh Tuệ thì cao hơn nhưng cũng chỉ khoảng 50 triệu đồng/m ngang.
Theo chủ tịch UBND xã Ia Tô, "cò" đất cứ thổi song không có ai mua bán. Bởi nếu có giao dịch thật, người mua bán phải đến địa phương làm hồ sơ, chứng thực hợp đồng giao dịch, đo đạc, áp bản đồ xem có đúng vị trí không, có chính chủ không...
Ông Trịnh Viết Hùng nhấn mạnh, UBND xã chưa xác nhận hay ký bất kỳ hồ sơ thủ tục gì liên quan đến đất ở thôn 6. Xã cũng đã báo cáo với huyện và các phòng, ban để giám sát chặt chẽ tất cả hồ sơ có liên quan đến đất thôn 6 và đất giáp ranh của Công ty cà phê Ia Châm.
Ông Hùng cho biết, trường hợp người dân đi công chứng tư là quyền của họ. Tuy nhiên, sau đó, người dân phải qua Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Đăng ký đất đai rồi phối hợp với UBND xã để đến hiện trường đo đạc, lấy ý kiến khu dân cư, ký giáp ranh, niêm yết công khai theo đúng thủ tục.
Cũng theo vị lãnh đạo xã Ia Tô, về nguyên tắc, họ có quyền mua bán, địa phương không cấm. Tuy nhiên, cần giám sát chặt chẽ về số liệu, thông tin về liên quan đến giao dịch (nếu có). Những người đăng tải trên mạng xã hội phần lớn từ nơi khác đến, chỉ có một vài người địa phương đi theo nghe ngóng.