Sáng 11/7, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Ngân hàng Phát triển Châu Á tổ chức hội thảo "Thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội ở Việt Nam".
Nêu quan điểm tại hội thảo, PGS.TS Trần Duy Nghĩa (Chuyên gia tư vấn ADB, Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất ít khi đầu tư vào hạ tầng mà chỉ tập trung lĩnh vực năng lượng. Bởi đầu tư PPP trong lĩnh vực năng lượng có chính sách rất rõ ràng, không "lùng nhùng" như với các dự án giao thông, đường sá.
Không xử lý được rủi ro, sao người ta dám "xuống tiền"?
Theo ông Nghĩa, doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam chịu nhiều rủi ro về pháp lý khi Nhà nước không chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư.
"Thời điểm hiện nay, có thể nói tư nhân rất ngại đầu tư, ngân hàng rất ngại xuống tiền và quan chức rất ngại ký. Nếu muốn thúc đẩy PPP, cần chia sẻ những rủi ro có thể xuất hiện", ông Nghĩa nói.
Chuyên gia của Đại học Fulbright cho rằng ở Việt Nam có 12 loại rủi ro xuất hiện phổ biến, nhưng có đến 10 loại trong số đó chưa có công thức và cách giải quyết triệt để. "12 loại rủi ro mà đến 10 loại chưa có cách xử lý, làm sao người ta dám xuống tiền, dám đầu tư", ông Nghĩa nói.
Dẫn chứng một loại rủi ro, ông ví dụ khi Nhà nước bảo sẽ giải tỏa mặt bằng, doanh nghiệp làm con đường này và độc quyền thu phí một thời gian, nhưng sau đó vì nhiều lý do, nguồn thu của nhà đầu tư không đảm bảo được nữa.
Hay ví dụ Nhà nước bảo nếu nguồn thu không đảm bảo Nhà nước ứng tiền, nhưng Bộ Tài chính lại nói "không biết lấy từ nguồn nào".
Cho rằng vốn mồi của Nhà nước chỉ là một vấn đề, điều quan trọng hơn, theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Nhà nước phải hiểu doanh nghiệp, rủi ro của doanh nghiệp và cùng chia sẻ rủi ro đó. "Nếu rủi ro xảy ra, Nhà nước phải có sẵn dòng tiền để trả", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đề xuất giải pháp, ông góp ý cần có một cơ quan chịu trách nhiệm dẫn dắt trong vấn đề này.
Ông Nghĩa đặt câu hỏi: "Liệu Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách… đã có quy định sẵn để có một cơ quan chịu trách nhiệm về những vụ có thể phát sinh chưa"? Câu trả lời, theo ông, mỗi bộ ngành vẫn là "một cõi trời riêng", không có ai chịu trách nhiệm chung cho những vấn đề phát sinh.
Nếu muốn thúc đẩy PPP, ông Nghĩa góp ý phải có tổ chức mang ý chí chính trị dẫn dắt. Khi đó, không phải Nhà nước đầu tư mồi mà Nhà nước sẵn sàng có dòng tiền để đối phó với rủi ro khi đầu tư.
"Cái đó phải có quyết định chính trị, giao cho một cơ quan hiểu biết về rủi ro, đánh giá được rủi ro và những người trong đó phải là chuyên gia giỏi, được hưởng mức lương hàng trăm triệu đồng chứ không thể như công chức lương 8 triệu đồng/tháng", theo quan điểm của ông Nghĩa.
Ông nhấn mạnh Việt Nam nếu muốn làm PPP phải thiết kế cơ chế chính trị để Nhà nước hiểu rủi ro và sẵn sàng có dòng tiền trung, dài hạn để ứng phó với rủi ro.
Triển khai dự án PPP còn nhiều vướng mắc
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nhấn mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội là 1 trong 3 đột phá chiến lược được đề ra trong 3 kỳ Đại hội Đảng liên tiếp.
Theo ông An, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 32-34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng).
"Như vậy vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội; việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam", ông An nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng tại nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển, việc huy động nguồn lực xã hội thông qua phương thức đối tác công tư đã được áp dụng từ lâu và đóng góp đáng kể cho việc phát triển hạ tầng xã hội của mỗi quốc gia.
Nhìn lại thực tế của Việt Nam, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết những năm qua, hàng nghìn tỷ đồng vốn tư nhân đã được huy động để xây dựng quốc lộ, đường cao tốc, nhà máy điện và nhiều dự án góp khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng xã hội theo phương thức đối tác công tư ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc, chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư PPP và việc triển khai các dự án PPP mới.
Trước thực tế số lượng dự án PPP mới còn hạn chế, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giao thông, ít được triển khai trong các lĩnh vực khác, ông An cho rằng nguồn lực đầu tư công chưa thực sự phát huy vai trò dẫn dắt, làm "vốn mồi" để thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.