Tư liêu phương Tây miêu tả hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam

07/04/2023 10:12

Các tư liệu phương Tây xuất bản từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, trong đó có những trang văn bản miêu tả về hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa cũng như quá trình người Việt đến hai quần đảo này để khai thác hải sản, cắm mốc chủ quyền và thực thi chủ quyền.

Tư liệu trong cuốn The Oriental Herald and Colonial Review (Tập 1).

Cuốn The Oriental Herald and Colonial Review (Tập 1) xuất bản ở London (Anh) năm 1824. Trang 330 cuốn sách này có đề cập những sự kiện đại úy Daniel Ross được phái đến Cochinchina (tên mà người Anh gọi Việt Nam lúc đó) để khảo sát quần đảo Paracels (Hoàng Sa) với một bức thư ủy nhiệm rất thân thiện trình lên vua Cochinchina (tức vua Gia Long). Sự kiện đại úy Daniel Ross trình thư ủy nhiệm để xin phép khảo sát Paracels cho thấy nước Anh thời đó thừa nhận Paracels thuộc về vua Cochinchina, tức là đã thuộc chủ quyền của Việt Nam lúc bấy giờ.

Tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal xuất bản tại Calcuta (Ấn Độ) năm 1837. Tập VI, phần II, có in bài viết của Giám mục Jean Loui Taberd khẳng định: “Quần đảo Pracel hay Paracels là một khu vực chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát…Những người dân xứ Cochinchina gọi khu vực đó là Cồn Vàng”. Trang 745 ghi rõ: “Mặc dù rằng hình như loại quần đảo này chỉ có độc những tảng đá ngầm mà không có gì khác, và độ sâu của biển hứa hẹn những điều bất tiện hơn là sự thuận lợi, nhưng vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông đã tăng cường được quyền thống trị lãnh thổ của mình bằng sự sáp nhập tội nghiệp đó. Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông”.

Cuốn sách Tableau de la Cochinchina của hai tác giả Cortambert và Leson de Rosny, xuất bản tại Pari năm 1862. Trang 7 của cuốn sách này đã liệt kê Paracels trong bảng thông tin về Cochinchina và ghi rõ “Paracels tức là Kát Vàng”. Đây là một sự khẳng định Paracels chắc chắn thuộc về Việt Nam lúc đó.

Cuốn sách Traité élémentaire de géographie: contenant un abrégé méthodique du précis de la géographie universelle (Tập 2) của Malter-Brun, xuất bản tại Parai năm 1831. Trang 221 của sách này có ghi: “Nằm cách bờ biển Cochinchina và đảo Nam Hải một khoảng bằng nhau, quần đảo Paracels thuộc vương quốc An Nam”.

Bộ Atlas Thế giới do Philippe Vandermaelen nhà địa lý học kiệt xuất, thành viên Hội Đại lý Pari xuất bản Bộ Atlas Thế giới gồm 06 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục, 381 bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê và nhiều thông tin về địa lý tự nhiên, chính trị, khoáng sản.

Ảnh chụp từ Bộ Atlas Thế giới Bruxlles – 1827, Quyển 2.

Bộ Atlas Thế giới do Philippe Vandermaelen nói chung và bản đồ Partie de la Cochinchina nói riêng xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học chuẩn mực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tư liêu phương Tây miêu tả hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO