Tìm lời giải cho các câu hỏi về các biến thể phụ của virus SARS-CoV-2

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)| 07/05/2022 16:48

Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 đang có những "pha chạy nước rút đột biến" chỉ trong một thời gian ngắn mà một vài đột biến còn vượt trội so với những dòng phụ khác.

Tim loi giai cho cac cau hoi ve cac bien the phu cua virus SARS-CoV-2 hinh anh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia ngày 17/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết trên trang mạng Theconversation.com ngày 5/5, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, virus SARS-CoV-2 gây bệnh đã tiến hóa không ngừng với rất nhiều đột biến mới, trong đó có biến thể Omicron.

Biến thể đáng quan ngại này đã làm thay đổi diễn biến dịch bệnh, khiến số ca mắc mới trên toàn thế giới tăng mạnh. Đáng chú ý, đã có thêm rất nhiều dòng phụ của Omicron xuất hiện, chẳng hạn như BA.2, BA.4 và mới nhất là BA.5.

Hàng loạt câu hỏi đặt ra hiện nay đó là liệu con người có nguy cơ tái nhiễm các biến thể phụ này hay không và liệu có khả năng số ca mắc COVID-19 có tăng cao trở lại.

Tất cả các loại virus, trong đó có SARS-CoV-2, đều biến đổi liên tục. Đa phần các đột biến có rất ít hoặc không ảnh hưởng tới khả năng lây truyền virus từ người này sang người khác hoặc khả năng gây bệnh nặng.

Khi một virus "tích lũy" được số lượng đáng kể các đột biến để có thể tăng khả năng lây lan và/hoặc gây triệu chứng bệnh nặng, virus đó sẽ được coi là một dòng khác (giống như một nhánh cây mới trên một thân cây).

Đây là trường hợp đối với dòng BA (B.1.1.529) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi tên là Omicron. Biến thể này lây lan nhanh, chiếm hầu hết trong số các ca mắc COVID-19 hiện nay đã được giải trình tự gene trên toàn cầu.

Do tốc độ lây nhiễm như vậy nên Omicron có nhiều cơ hội để đột biến và đã xuất hiện hàng loạt dòng phụ hoặc biến thể phụ của biến thể này như BA.1, BA.1.1, BA.2, BA.3, BA.4 và BA.5.

Trước Omicron, cũng đã có một số biến thể của virus SARS-CoV-2 như Delta. Tuy nhiên, Omicron đã "soán ngôi" Delta, nhiều khả năng do tốc độ lây lan mạnh của biến thể này. Vì vậy, các biến thể phụ của các biến thể trước đó hiện ít phổ biến hơn và việc theo dõi chúng cũng ít được chú trọng hơn.

Có nhiều bằng chứng cho thấy các dòng phụ của biến thể Omicron, cụ thể là BA.4 và BA.5, có thể khiến những người từng mắc các dòng BA.1 hoặc những dòng khác tái nhiễm.

Cũng có quan ngại rằng những biến thể phụ này có khả năng lây lan ở những người đã tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19. Vì vậy, không loại trừ khả năng số ca mắc mới COVID-19 sẽ tăng mạnh trong những tuần tới và những tháng tới do tình trạng tái nhiễm - một thực tế đang được ghi nhận tại Nam Phi.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 (mũi thứ 3) là cách hiệu quả nhất giúp làm chậm đà lây lan Omicron (kể cả các dòng phụ của biến thể này) và hạn chế các trường hợp nặng phải nhập viện.

Tim loi giai cho cac cau hoi ve cac bien the phu cua virus SARS-CoV-2 hinh anh 2Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 23/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Gần đây, biến thể phụ BA.2.12.1 cũng thu hút sự chú ý do lây lan nhanh tại Mỹ và tuần qua đã được phát hiện trong nước thải ở Australia.

Đáng báo động, dù từng nhiễm biến thể phụ BA.1 của Omicron, một người vẫn có thể tái nhiễm các biến thể phụ khác gồm BA.2, BA.4 và BA.5 do khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch của chúng.

Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 đang có những "pha chạy nước rút đột biến" chỉ trong một thời gian ngắn. Ở một trong số những pha chạy nước rút đó, virus có thể biến đổi nhanh hơn 4 lần so với bình thường chỉ trong khoảng một vài tuần.

Sau những "pha bứt tốc" như vậy, virus lại có thêm nhiều đột biến mà một vài đột biến trong đó thậm chí có thể có những điểm vượt trội hơn so với những dòng phụ khác, chẳng hạn như khả năng lây nhiễm nhanh hơn, gây nguy cơ bệnh nặng hơn hoặc có thể "né" hệ miễn dịch. Do vậy, lại có thêm nhiều biến thể mới xuất hiện.

Cho đến nay, giới khoa học vẫn đang đi tìm nguyên nhân khiến virus có những "pha chạy nước rút đột biến." Trong khi đó, có hai giả thiết chính về nguồn gốc của Omicron và cách thức biến thể này "tích lũy" nhiều đột biến đến vậy.

Thứ nhất, Omicron có thể đã phát triển trong các bệnh truyền nhiễm mãn tính ở những người có hệ miễn dịch suy yếu. Thứ hai, virus này có thể đã lây sang các loài khác, trước khi lây nhiễm trở lại cho con người.

Đột biến không phải là cách duy nhất để sản sinh ra các biến thể mới mà còn có hiện tượng tái tổ hợp. Đơn cử như biến thể XE của Omicron là kết quả của quá trình này. Hiện tượng tái tổ hợp xảy ra khi một bệnh nhân nhiễm cùng lúc biến thể BA.1 và BA.2. Quá trình đồng nhiễm này dẫn đến việc hoán đổi bộ gene và một biến thể lai.

Một dẫn chứng khác đã được ghi nhận về biến thể tái tổ hợp đó là Deltacron, biến thể lai giữa Delta và Omicron. Cho đến nay, các biến thể dạng này dường như không có khả năng lây nhiễm cao hoặc nguy cơ gây bệnh nặng.

Tuy nhiên, không loại trừ sẽ có những thay đổi nhanh chóng về độc lực hoặc tốc độ lây lan nếu xuất hiện các biến thể tái tổ hợp mới. Vì vậy, các nhà khoa học vẫn đang theo dõi chặt chẽ các biến thể này.

Các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi các biến thể mới và các hiện tượng tái tổ hợp (đặc biệt với những biến thể phụ). Họ cũng sẽ sử dụng các công nghệ gene để dự đoán sự biến đổi của virus, các mô hình dịch bệnh tiềm tàng và các tác động liên quan.

Việc lường trước các kịch bản như vậy sẽ giúp thế giới có thể hạn chế nguy cơ lây lan và tác động của các biến thể. Bên cạnh đó, điều này cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển các loại vaccine giúp phòng ngừa hiệu quả nhiều loại biến thể hoặc vaccine đặc hiệu phòng ngừa biến thể nhất định nào đó./.

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tìm lời giải cho các câu hỏi về các biến thể phụ của virus SARS-CoV-2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO