Tiến sĩ ĐH top đầu châu Á ra trường thất nghiệp, sống nghèo khó: Điểm số ở trường không quyết định thành công ngoài đời

20/09/2023 14:59

Câu chuyện của Trương Tiến Sinh khiến ai cũng phải suy ngẫm.

Đại học Bắc Kinh là một trong những trường đại học danh giá top đầu Trung Quốc và châu Á. Ở "đất nước tỷ dân", Thanh Hoa - Bắc Đại (Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh) là ước mơ của bao thế hệ học sinh, bởi chỉ những ai có năng lực học tập thật sự xuất sắc mới có thể thi đỗ 2 ngôi trường này. Sinh viên tốt nghiệp Thanh Hoa - Bắc Đại cũng luôn tìm được công việc tốt, bởi chất lượng đầu ra của trường là điều không phải bàn cãi.

Ấy vậy mà, có một người là Tiến sĩ của Đại học Bắc Kinh nhưng lại thất nghiệp, phải trở về nông thôn sinh sống và chịu cảnh nghèo khó ở tuổi 54. Đó chính là câu chuyện của người đàn ông tên Trương Tiến Sinh!

Học giỏi nhưng bản tính tự cao, cuối cùng thất nghiệp

Thời nay, chuyện đi học đại học là rất bình thường. Tuy nhiên vào những năm 1980, 1990 thì lại khác, nhiều khi cả làng chỉ có đúng một học sinh đỗ đại học. Chính vì vậy, những em thi đỗ thường được mọi người tổ chức chúc mừng rất long trọng. Được biết, Trương Tiến Sinh sinh ra vào những năm 1960, trong một gia đình nông thôn nghèo.

Trương Tiến Sinh là con thứ 3, bên trên còn có 2 chị gái. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng do thời bấy giờ cảnh trọng nam khinh nữ còn rất nặng nề nên anh ta chưa bao giờ phải chịu khổ. Hai chị gái anh ta đã nghỉ học từ lâu để cùng bố mẹ nuôi nấng cậu út.

Cũng may là thành tích học tập của Trương Tiến Sinh đã không phụ sự kỳ vọng của mọi người. Anh ta không chỉ thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh mà còn xuất sắc lấy được bằng Tiến sĩ. Gia đình họ Trương rất vui, cứ ngỡ với thành tích này thì con trai họ chắc chắn sẽ trở thành "ông nọ bà kia", cho cả gia đình tự hào, mát mặt.

Tiến sĩ ĐH top đầu châu Á ra trường thất nghiệp, sống nghèo khó: Điểm số ở trường không quyết định thành công ngoài đời-1
Trương Tiến Sinh hiện tại

Tuy nhiên, cuộc sống của Trương Tiến Sinh sau đó lại không tươi đẹp như tưởng tượng. Trương Tiến Sinh học chuyên ngành Y nhưng sau khi tốt nghiệp, anh ta lại phát hiện mình mắc chứng bệnh... cứ thấy máu là ngất xỉu! Như vậy, anh ta làm sao có thể trở thành bác sĩ?

Đây chính là thất bại đầu đời của Trương Tiến Sinh, khiến anh ta không thể ngẩng cao đầu được. Trương Tiến Sinh nghĩ rằng cuộc đời mình không thể làm gì khác ngoài học và học cũng chính là cách anh ta trốn tránh thực tại nghiệt ngã. Trương Tiến Sinh nói với bố mẹ về chuyện muốn học tiếp và đi du học.

Gia đình họ Trương vốn nghèo, làm sao có thể chu cấp cho con trai đi du học. Vậy nên, Trương Tiến Sinh chỉ có thể chọn lựa đi làm. Vốn xuất thân từ Đại học Bắc Kinh nên Trương Tiến Sinh rất kiêu ngạo và kén chọn công việc. Khi đó, Đại học Bắc Kinh đã phân cho Trương Tiến Sinh một công việc ở bệnh viện. Vì Trương Tiến Sinh mắc bệnh sợ máu nên chỉ được phân vào công việc tuyến 2, không phải trực tiếp tiếp xúc với máu. Tất nhiên lương của công việc này không thể cao bằng lương của bác sĩ phẫu thuật.

Thời điểm này, Trương Tiến Sinh cũng hẹn hò với bạn gái nhưng không kéo dài bao lâu vì anh ta suốt ngày chỉ nói những lời hoa mỹ. Sau khi làm việc ở bệnh viện một thời gian, Trương Tiến Sinh cũng xin nghỉ vì thấy công việc này không xứng với trình độ học vấn, kiến thức uyên thâm của mình.

Tuy nhiên, sau khi ra xã hội, Trương Tiến Sinh vẫn giữ tính khí "cao cao tại thượng", kén chọn công việc, không thèm làm những việc lương không cao hoặc cảm thấy "không xứng". Tóm lại, anh ta có nhiều lý do để từ chối công việc. Cuối cùng, Trương Tiến Sinh rơi vào cảnh thất nghiệp.

Không có thu nhập, anh ta đành phải trở về nông thôn. Nhưng bản tính sĩ diện khiến anh ta không chịu làm công việc đồng áng, cũng không đi làm công việc khác. Trương Tiến Sinh đã trở thành một kẻ thất bại hoàn toàn trong cuộc sống. Anh ta sống dựa vào sự trợ giúp của bố mẹ và hai người chị. Nhìn Trương Tiến Sinh sống nghèo khó, ai nấy đều lắc đầu ngao ngán, nhất là khi hai người chị đã phải hy sinh nghỉ học để nuôi anh ta.

Ở tuổi 54, khi chính quyền địa phương biết được hoàn cảnh của Trương Tiến Sinh, họ đã giúp vị "Tiến sĩ Đại học Bắc Kinh" làm đơn xin trợ cấp hộ nghèo đặc biệt. Hiện tại, Trương Tiến Sinh nhận được vài trăm NDT tiền trợ cấp mỗi tháng. Đây cũng là thu nhập chính của Trương Tiến Sinh.

Nói về trường hợp của vị Tiến sĩ này, trang Sohu bình luận: Điểm số ở trường không quyết định thành công ngoài đời. Xã hội không cần người làm bài kiểm tra giỏi!

Thực sự không ai có thể nghĩ rằng, một Tiến sĩ Đại học Bắc Kinh lại chịu cảnh thất nghiệp, nhận trợ cấp của nhà nước như vậy. Nền giáo dục định hướng thi cử luôn lấy điểm số làm tiêu chuẩn đo lường và bỏ qua việc tập trung vào năng lực. Có rất nhiều học sinh có thể làm bài kiểm tra tốt, đạt điểm cao trong mọi kỳ thi nhưng khi ra xã hội lại không thể hòa nhập được.

Khi bước chân vào xã hội, bạn sẽ thấy, điểm thi sẽ không được xét đến. Điều mà nhà tuyển dụng thực sự muốn thấy chính là năng lực của ứng viên. Những người như Trương Tiến Sinh là "tác dụng phụ" của nền giáo dục thiên về thi cử. Họ dành cả đời để rèn luyện các kỹ năng thi cử khác nhau và học hỏi đủ loại kiến thức thi cử, nhưng họ chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ tồn tại như thế nào khi bước vào xã hội.

Chính vì vậy, những người trẻ ngày nay cần phải rút ra bài học từ câu chuyện của Trương Tiến Sinh. Nếu bạn muốn thành công trong cuộc sống, chỉ đạt điểm cao trên trường lớp thôi là chưa đủ...

Theo Phụ nữ số

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ ĐH top đầu châu Á ra trường thất nghiệp, sống nghèo khó: Điểm số ở trường không quyết định thành công ngoài đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO