Đồ ăn đặt trong tủ lạnh thời gian thế nào thì hợp lý?
Để giữ thực phẩm tươi ngon, thông thường thì chất đạm có thể trữ đông lâu nhất 6 tháng, với rau củ là khoảng 1 tuần. Giữa ngăn đông với ngăn mát, cũng cần có bố trí hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất. Thí dụ như bạn có thể lấy thịt từ ngăn đông để vào ngăn mát từ tối hôm trước. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian chế biến, mà còn giúp giữ nguyên vị tươi ngon của thịt do không phải cho vào lò vi sóng để giã đông.
Cách bảo quản hiệu quả với từng loại đồ ăn
1. Bảo quản bánh mì
Sử dụng túi giấy, giấy báo
Bánh mì vừa mua vẫn còn nóng hổi sẽ giữ được độ giòn trong khoảng 8 - 9 tiếng. Ngay khi mua về, bạn nên tranh thủ dùng túi giấy hoặc giấy báo để bọc kín chúng lại và để ở nơi thoáng mát. Cách làm này sẽ giúp bảo quản được độ giòn của bánh mì cho đến tận ngày hôm sau. Và khoảng vài ngày sau đó, bánh mì vẫn có thể ăn được, chỉ là bánh sẽ hơi mềm và ỉu.
Dùng giấy bạc hoặc túi zip
Giấy bạc và túi zip luôn là những trợ thủ đắc lực cho các bà nội trợ, giúp họ bảo quản bánh mì giòn ngon, không quá khô mà vẫn giữ được một độ ẩm nhất định như bánh mì mới mua về. Ngoài ra nếu bạn bọc bánh mì bằng giấy bạc, thì việc làm nóng lại bánh mì thì bạn chỉ cần bỏ vào lò nướng hoặc nướng trên bếp trong khoảng 5 - 7 phút là một ổ bánh mì thơm ngon vừa mới ra lò đang đợi bạn thưởng thức. Nếu bảo quản trong túi zip thì bạn phải cắt bánh mì thành các lát mỏng vừa ăn sau đó bảo quản ở nhiệt độ phòng thoáng mát, sang ngày hôm sau bạn có thể lấy ra và làm các món mong muốn.
Bọc kín để trong ngăn đá (ngăn đông) của tủ lạnh
Cho bánh mì vào trong 1 túi zip sau đó ép từ từ hết không khí trong túi ra, đóng chặt miệng túi lại và cho vào trong ngăn đông tủ lạnh, bảo quản đến khi nào cần sử dụng thì bạn lấy ra rã đông. Để đạt được độ ngon mong muốn thì bạn nên chia nhỏ phần bánh mì mình và cả gia đình có thể ăn trong 1 lần vào 1 túi zip để tránh trường hợp lấy ra đông đi đông lại nhiều lần khiến bánh mì bị mất đi hương vị và không còn ngon miệng nữa. Trường hợp ổ bánh mì của bạn quá to không vừa với túi zip thì bạn có thể cắt nhỏ bánh mì để bảo quản dễ dàng và hiệu quả hơn.
2. Bảo quản rau củ
Bạn nên dùng những loại túi có chất liệu PP để bọc rau củ trước khi cho vào tủ lạnh. Điều này sẽ giúp hạn chế sự mất nước của chúng. Nếu dùng giấy: Dùng khăn giấy khô để bọc rau củ, cách làm này sẽ giữ cho rau củ tươi xanh ít nhất 1 tuần trong tủ lạnh, đặc biệt là các loại rau có lá.
Các loại hộp đựng không chỉ giúp việc phân loại thực phẩm nhìn đẹp mắt hơn, chúng còn hỗ trợ giữ được tối đa lượng dinh dưỡng và độ tươi xanh của rau củ. Đặc biệt là hộp đựng có thể dùng được nhiều lần, đảm bảo vệ sinh lại tiết kiệm chi phí.
Trường hợp không bảo quản trong tủ lạnh bạn có thể dùng túi kín. Theo đó, hãy hãy cất rau vào túi sạch chứa đầy không khí. Sau đó buộc kín miệng túi để không khí không thoát ra ngoài. Cách làm này được đánh giá là vô cùng hữu ích khi bảo quản rau trong tủ lạnh.
Với một số loại rau, tăm nhọn lại phát huy tác dụng. Bạn hãy lấy 3 que tăm nhọn sau đó cắm sâu vào cuống rau củ, chỉ để lại 1 phần nhỏ của tăm nổi lên. Các cây tăm có tác dụng tuyệt vời trong việc giữ nước, giúp rau tươi cả tuần mà không cần bỏ tủ lạnh. Lưu ý, dùng tăm bảo quản rau chỉ phù hợp với các loại có cuống như xà lách, bắp cải, cải thảo.
Với một số loại rau như súp lơ, măng tây, rau thơm, hành lá... bạn có thể bảo quản bằng nước để rau giữ được độ tươi lâu hơn. Bạn hãy chuẩn bị một ly nước, sau đó tiến hành cắm rau như cắm hoa để giúp rau tươi lâu thêm khoảng 3 - 4 ngày. Riêng với súp lơ, bạn hãy dùng thêm màng nilon có đục lỗ để bọc, điều này giúp bông súp lơ tươi xanh lại không héo dù để ở nhiệt độ thường.
3. Bảo quản xúc xích đóng gói
Tủ lạnh là nơi bảo quản xúc xích hữu hiệu nhất, nếu trong trường hợp không có tủ lạnh/tủ hỏng hoặc nhà mất điện, bạn có thể áp dụng nhanh theo bảo quản sau: Bạn có thể trộn hỗn hợp muối + đường sau đó phủ đều lên bề mặt xúc xích. Cách làm này có thể kéo dài thời gian bảo quản xúc xích vì chúng có tác dụng hút ẩm, giúp hạn chế môi trường phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên phương pháp này cũng có thể làm thay đổi hương vị của xúc xích, bạn nên cân nhắc trước khi thực hiện.
4. Bảo quản thực phẩm đóng hộp
Thực phẩm đóng hộp cần được bảo quản an toàn ở nhiệt độ dưới 30°C, tốt nhất là 10 - 21°C. Bạn không nhất thiết phải trữ đông thực phẩm vì ngăn đông tủ lạnh không phải nhiệt độ quá lý tưởng. Nên bảo quản đồ hộp ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng chiếu vào, cũng không nên đặt ở những nơi có nhiều độ ẩm như trên bếp hoặc bên dưới bồn rửa.
Với thực phẩm đã nấu chín
Với thực phẩm đã được nấu chín, nên để nguội (khoảng 2 tiếng) trước khi cho vào hộp đựng thực phẩm, đậy kín và đặt ở nhiệt độ từ 2 - 4 độ C bên trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu đặt thức ăn còn đang nóng vào trong tủ lạnh sẽ dễ làm tăng nhiệt độ và gây ảnh hưởng đến các thực phẩm khác cũng như khiến cho máy nén hoạt động nhiều hơn, ảnh hưởng đến tuổi thọ của tủ lạnh. Thời gian sử dụng thức ăn đã được nấu chín nên diễn ra trong khoảng 3 ngày và bạn có thể chia nhỏ lượng thức ăn trước khi bảo quản giúp cho việc sử dụng được tiện lợi hơn.
Lưu ý khi chuẩn bị thực phẩm phòng bão lụt
Trong những ngày mưa lụt, tủ lạnh của các gia đình thường được trữ rất nhiều đồ ăn. Vì thế, bạn cần điều chỉnh lại nhiệt độ thích hợp để đảm bảo chất lượng bảo quản thực phẩm, tránh tạo ra môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, lây lan.
Không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm, vì thực tế tình trạng không thể mua bán thường không kéo dài, đồ ăn để lâu sẽ kém ngon và giảm dinh dưỡng. Mặt khác nếu bị mất điện lâu, đồ ăn để trong tủ lạnh rất dễ hỏng. Trong điều kiện bình thường, phần lớn gia đình đều có trong tủ đông lượng thực phẩm dự trữ cho cả tuần, vì vậy nếu tích trữ thực phẩm phòng ngập lụt, bạn chỉ cần mua thêm chút ít, thậm chí có gia đình chỉ cần mua thêm rau.
Trong trường hợp mất điện, tủ lạnh và tủ đá phải được đóng kín hoàn toàn để duy trì nhiệt độ. Một tủ đá với đầy kín thức ăn nếu đóng chặt sẽ giữ được nhiệt độ lạnh khoảng 48 giờ, nếu tủ chỉ chứa một nửa thực phẩm sẽ giữ được độ lạnh 24 giờ.
Ban đêm, để một bát nước trong ngăn đá
Bạn có thể tiết kiệm điện cho tủ lạnh bằng cách để một bát nước hoặc khay nước vào ngăn đá lúc buổi tối, sau đó vào sáng hôm sau, chuyển bát nước này xuống ngăn mát. Lý do là bởi vào ban đêm, cửa tủ lạnh gần như không mấy khi bị mở ra, đóng vào. Bát nước để vào ngăn đá, khả năng làm lạnh sẽ nhanh và không tiêu hao điện năng nhiều như ban ngày. Khi chuyển bát nước đá vào ngăn mát, đá sẽ tự rã dần dần cho đến khi tan hết. Từ đó, khí mát tỏa ra khắp ngăn, hạn chế sử dụng điện ở mức cao để làm mát ngăn bảo quản này. Lặp lại cách này hàng ngày tủ lạnh sẽ không phải tiêu hao quá nhiều điện năng. Một lợi ích khác, trong quá trình rã đông trong ngăn mát, bát nước này cung cấp nước "tươi" cho thực phẩm, khiến rau quả không bị héo nhanh, đỡ bị mất nước, duy trì được độ tươi ngon, kéo dài thời gian bảo quản, đạt được mục đích cao nhất là làm tươi thực phẩm trong thời gian dài hơn.
Theo GĐXH