'Thuyền' ASEAN vững vàng vượt 'sóng cả', vươn mình 'ra biển lớn'

Phương Hà| 10/11/2022 11:40

Dù gặp phải không ít gian nan, thách thức nhưng ASEAN vẫn đang duy trì đà phát triển để thực hiện hóa các mục tiêu của mình, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm trong một thế giới đầy biến động.

ASEAN
ASEAN đang duy trì đà xây dựng Cộng đồng. (Nguồn: asean.org)

Duy trì đà xây dựng Cộng đồng

ASEAN đang duy trì đà xây dựng Cộng đồng thông qua thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trong đó có triển khai Kế hoạch tổng thể ở cả ba Trụ cột Cộng đồng và về Kết nối ASEAN, đồng thời khởi động tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Theo đó, ASEAN đã triển khai được 98% các dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể của Trụ cột Chính trị-an ninh, 88,3% trong Trụ cột Kinh tế, 72% trong Trụ cột Văn hóa-Xã hội, và triển khai 14/15 sáng kiến thuộc 5 lĩnh vực chiến lược của Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC). Ngoài ra, ASEAN cũng đang trao đổi về Chiến lược Hợp nhất về cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nhằm tận dụng tối đa cơ hội do CMCN 4.0 mang lại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan từ 10-13/11.

ASEAN đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực, tạo dựng được sự tin cậy và gắn kết giữa các nước thành viên, xây dựng lòng tin, chia sẻ và phát huy giá trị các quy tắc và chuẩn mực ứng xử giữa các nước ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực xử lý những thách thức an ninh, hạn chế sự can thiệp và chi phối của các nước lớn.

Hiệp hội khẳng định được vai trò quan trọng ở khu vực, chủ yếu là ngăn ngừa và quản lý các tranh chấp hoặc nguy cơ xung đột. Song song với đó, ASEAN nỗ lực hợp tác nâng cao năng lực xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt trước các thách thức và mối đe dọa mới do đại dịch Covid-19 gây ra, bao gồm khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, hợp tác biển, hợp tác ngoại giao và quốc phòng, tăng năng lực ngoại giao phòng ngừa…

Cộng đồng Kinh tế ASEAN thực chất là sự mở rộng về phạm vi và nâng cao về mức độ tự do hóa của Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), trong đó về cơ bản không còn thuế quan đối với hàng hóa và có sự lưu chuyển thông thoáng hơn về dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, có sự hợp tác khá chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế ngành và kết nối đáng kể với nền kinh tế toàn cầu (chủ yếu thông qua các FTA với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới).

ASEAN đã có 6 FTA ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hong Kong (Trung Quốc); ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm 2020; ASEAN cũng đã cơ bản hoàn thành dỡ bỏ thuế cho 98,6% các dòng sản phẩm, trong đó các nước ASEAN-6 đã bỏ 99,3% các dòng thuế, các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) giảm 97,7%.

Hiệp hội đang thúc đẩy thực hiện mục tiêu đưa ASEAN trở thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (AIA) và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA)… gồm các nguyên tắc điều chỉnh thương mại nội khối dựa trên cơ sở các quy định của WTO và mức độ mở cửa thị trường rất cao.

Về văn hóa-xã hội, kết quả lớn nhất của ASEAN là tạo ra những cơ chế và khuôn khổ hợp tác, hài hòa hóa các quy định và tiêu chuẩn chung cũng như nâng cao năng lực cho các nước thực hiện các chính sách thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, phát triển bền vững, cải thiện cuộc sống của người dân, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia và đóng góp vào hợp tác ASEAN, giúp nâng cao ý thức về cộng đồng và bản sắc chung.

Hướng đến Tầm nhìn sau 2025

ASEAN đã khởi động tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 với sự thành lập của Nhóm Đặc trách cao cấp về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 (HLTF-ACV).

Các nước đều khẳng định Tầm nhìn sau 2025 cần được xây dựng trên cơ sở kế thừa và tiếp nối Tầm nhìn 2025, bổ sung các lĩnh vực/vấn đề đang nổi lên, như chuyển đổi số, ứng phó biến đối khí hậu, dịch bệnh, chuyển đổi năng lượng, để nâng cao tính tự cường và khả năng ứng phó.

Theo lộ trình, Nhóm sẽ hoàn tất các thành tố chính của Tầm nhìn để trình lên Lãnh đạo các nước ASEAN thông qua vào đầu năm 2023. Trên cơ sở đó, Nhóm sẽ tiếp tục cụ thể hóa thành các Kế hoạch Tổng thể tăng cường hợp tác của ASEAN trên ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội cũng như thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.

Quan hệ đối ngoại mở rộng, khẳng định vai trò trung tâm

ASEAN đã tạo dựng được quan hệ hợp tác khá chặt chẽ với nhiều nước và tổ chức quan trọng trên thế giới, trong đó có tất cả các nước lớn. Đến nay đã có 94 đối tác cử Đại sứ tại ASEAN, 54 Ủy ban ASEAN tại nước thứ 3 và các tổ chức quốc tế (ACTCs) được thành lập.

ASEAN đã thành công tạo ra môi trường để các nước thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác, ngăn ngừa sự cố, giải quyết khác biệt, tranh chấp, qua đó thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.

Các diễn đàn/cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt thu hút được sự tham gia của các đối tác vào hợp tác khu vực. Thông qua các diễn đàn/cơ chế của mình, ASEAN đã tranh thủ được sự hợp tác và hỗ trợ thiết thực từ các đối tác phục vụ mục tiêu an ninh và phát triển; xác lập được vai trò trung tâm ở khu vực.

Các đối tác nhìn chung đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ứng phó dịch bệnh và phục hồi sau đại dịch và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.

Những mong muốn hợp tác đó được thể hiện qua việc ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Trung Quốc và Australia năm 2021, dự kiến thông báo thiết lập CSP với Mỹ và Ấn Độ nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, cũng như xem xét đề xuất của các đối tác khác Nhật Bản, Hàn Quốc…

ASEAN
Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 29 (ARF 29). (Ảnh: Tuấn Anh)

Đoàn kết, cân bằng, trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế và khu vực

Trước các vấn đề quốc tế và khu vực, ASEAN luôn duy trì đoàn kết, quan điểm khách quan, cân bằng, phát huy vai trò trung tâm và tiếng nói trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Về vấn đề Myanmar, ASEAN tiếp tục phát huy trách nhiệm, đoàn kết, sẻ chia hỗ trợ Myanmar sớm tìm giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng hiện nay, khẳng định Myanmar tiếp tục là thành viên của ASEAN. Mặc dù ASEAN đã có nhiều nỗ lực triển khai Đồng thuận 5 điểm, song chưa đạt hiệu quả như mong muốn. ASEAN nhất trí cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện Đồng thuận 5 điểm và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân, sẽ trao đổi thêm các biện pháp cụ thể để hỗ trợ Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN thực hiện nhiệm vụ.

Về tình hình Ukraine, ASEAN bày tỏ quan ngại về căng thẳng quân sự tiếp diễn và hệ lụy tiêu cực của xung đột đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển chung của thế giới và khu vực; theo đó, ủng hộ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng kịp thời ra 3 Tuyên bố, bày tỏ lập trường, quan điểm về căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Về Biển Đông, ASEAN duy trì lập trường nguyên tắc chung, đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin và xây dựng các quy tắc ứng xử, nhất là cùng Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và thực chất; thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề trên biển nhằm ngăn ngừa nguy cơ đụng độ/xung đột, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông. ASEAN đánh giá cao ý nghĩa kỷ niệm 20 năm DOC và 40 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển trong năm nay.

Việt Nam-hạt nhân duy trì đoàn kết

Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 được tổ chức tại Brunei. Trong 27 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển và thành công của ASEAN và đóng vai trò là một thành viên “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”.

Việt Nam đóng vai trò là hạt nhân duy trì và thúc đẩy đoàn kết nội khối, với dấu ấn quan trọng đầu tiên là góp phần thúc đẩy việc gia nhập ASEAN của Lào, Campuchia và Myanmar qua đó hoàn tất ý tưởng ASEAN bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á (giai đoạn 1995-1999), tạo ra sự chuyển biến mới về chất đối với ASEAN và tình hình khu vực.

ASEAN
Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong một năm đầy thách thức chưa từng có tiền lệ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các nước thành viên đóng góp vào việc xây dựng những định hướng, quyết sách quan trọng của ASEAN, góp phần định hình đường lối phát triển và thành công của khối như: Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2020 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025; Hiến chương ASEAN (2007); Kế hoạch Tổng thể ASEAN về phục hồi và kế hoạch thực hiện; Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển, cũng như các văn kiện khác trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành…

Đặc biệt, trong năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy thành công các mục tiêu đề ra cho năm 2020 theo tinh thần chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng", củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, không chỉ đưa ASEAN vượt qua thách thức chưa từng có nảy sinh từ dịch Covid-19 mà còn giữ vững đà hợp tác và xây dựng Cộng đồng. Vai trò, vị thế và dấu ấn của Việt Nam trong năm Chủ tịch được khẳng định rõ nét, qua đó góp phần nâng cao vai trò và hình ảnh của Việt Nam trong ASEAN và trên trường quốc tế.

Về hợp tác Chính trị-an ninh, Việt Nam luôn đề cao đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, nỗ lực xây dựng và phát huy giá trị các công cụ và cơ chế bảo đảm an ninh khu vực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong khu vực, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN chủ trì như (Cấp cao Đông Á-EAS, Diễn đàn khu vực ASEAN- ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng - ADMM+...).

Là một nước thành viên có chính sách và cam kết với ASEAN tương đối ổn định và rõ nét, Việt Nam được đánh giá cao là một trong những nước có vai trò quan trọng góp phần củng cố hòa bình, an ninh khu vực, nhất là thông qua nỗ lực cùng các các nước ASEAN giải quyết các thách thức chung của khu vực, trong đó có thúc đẩy và hướng tới một giải pháp hòa bình, dựa trên luật lệ cho những tranh chấp ở Biển Đông hay vấn đề Myanmar…

Về kinh tế, Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các cam kết trong kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), sau Singapore. Việt Nam cũng tích cực tham gia thúc đẩy xây dựng/triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế nội khối và giữa ASEAN với các Đối tác; đóng góp các sáng kiến hợp tác trên các lĩnh vực như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; thuận lợi thương mại, phát triển thương mại điện tử, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, thúc đẩy phát triển đồng đều và bền vững.

Về Văn hóa-xã hội, Việt Nam chủ trương thúc đẩy và tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác thiết thực hướng tới người dân như phúc lợi xã hội, hỗ trợ các đối tượng yếu thế, giáo dục, y tế, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu... Việt Nam cũng là một trong những nước rất tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về ASEAN trong người dân. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam đã đề xuất sáng kiến tăng cường treo cờ tại trụ sở các cơ quan hành chính của các nước thành viên và sử dụng ASEAN ca tại các sự kiện chính thức của ASEAN.

Việt Nam luôn luôn coi trọng ASEAN và hợp tác trong ASEAN cũng như ASEAN với đối tác, do vậy, Việt Nam sẽ luôn nỗ lực hết mình để đóng góp vào con đường chung của Hiệp hội, đưa "con thuyền" ASEAN tiếp tục "vươn ra biển lớn".

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/thuyen-asean-vung-vang-vuot-song-ca-vuon-minh-ra-bien-lon-205138.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/thuyen-asean-vung-vang-vuot-song-ca-vuon-minh-ra-bien-lon-205138.html
Bài liên quan
  • Vietnamese firms earn ASEAN Tourism Awards 2025
    Several Vietnamese enterprises received multiple ASEAN Tourism Awards 2025 on January 20 during a ceremony held in Malaysia as part of the ASEAN Tourism Forum (ATF) 2025, according to the Vietnam National Administration of Tourism (VNAT).
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Thuyền' ASEAN vững vàng vượt 'sóng cả', vươn mình 'ra biển lớn'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO