Thương mại điện tử Việt Nam: đang tăng tốc nhưng cũng nhiều thách thức

Thanh Phượng (Tổng hợp)| 31/03/2025 19:27

Năm 2024 đánh dấu một năm đầy khởi sắc của thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam.

my-pham-online.png

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, TMĐT tiếp tục là một trong những lĩnh vực tiên phong, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế số của đất nước.

Tăng trưởng nhanh

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 18-25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường đạt trên 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các phương thức mua sắm trực tuyến.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu từ TMĐT đạt hơn 227 nghìn tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, quý III/2024 ghi nhận mức doanh thu 84,75 nghìn tỷ đồng, đóng góp 37% vào tổng doanh thu toàn năm (theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến do Metric phát hành).

Những con số này không chỉ khẳng định sức hút của TMĐT, mà còn phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của người dân, từ mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến.

Cạnh tranh khốc liệt trong thị trường TMĐT

Thị trường TMĐT Việt Nam năm 2024 tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các sàn TMĐT và các doanh nghiệp. Trong đó, có thể thấy các yếu tố tạo nên sự khác biệt bao gồm:

Về chính sách giá và khuyến mãi: Các doanh nghiệp liên tục tung ra các chương trình giảm giá, miễn phí vận chuyển, các sàn thu hút được lượng lớn người dùng, đặc biệt trong các dịp mua sắm như 11.11 hay 12.12.

Về công nghệ: Nhiều nền tảng đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn để cải thiện trải nghiệm người dùng, từ đó giữ chân khách hàng cũ và có thêm khách hàng mới.

Về đa dạng sản phẩm: Các sàn TMĐT ngày càng mở rộng danh mục sản phẩm từ hàng tiêu dùng nhanh đến các sản phẩm xa xỉ, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, thu hút khách hàng trải nghiệm mua sắm.

- Thuận lợi và thách thức đối với các doanh nghiệp TMĐT

Trong năm 2024, thị trường TMĐT có nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam, với dân số trẻ và tỷ lệ người dùng internet cao, là mảnh đất lý tưởng cho sự phát triển TMĐT. Bên cạnh đó, nhiều chính sách của Chính phủ đưa ra đã góp phần thúc đẩy kinh tế số, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp TMĐT.

2.-cac-chuong-trinh-livestream-cung-dan-sao-tren-shopee-live-1-.jpg

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức vẫn cần sự chung tay hợp tác từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý. Đầu tiên là hạ tầng logistics chưa đồng bộ. Mặc dù đã có cải thiện, nhưng hệ thống logistics tại các khu vực nông thôn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển TMĐT. Vấn đề niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và bảo mật thông tin cá nhân vẫn là rào cản lớn đối với sự phát triển của TMĐT. Ngoài ra, sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tạo ra áp lực không nhỏ về giá cả và chất lượng dịch vụ cho cả thị trường nói chung.

Năm 2024 là một năm quan trọng đối với sự phát triển của TMĐT Việt Nam. Dù vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, nhưng với đà tăng trưởng hiện tại và sự hỗ trợ từ chính phủ, TMĐT sẽ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.

TMĐT đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu

TMĐT không chỉ có vai trò trụ cột trong nền kinh tế số, thúc đẩy thị trường nội địa phát triển mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Theo báo cáo của Cognitive Market Research, thị trường TMĐT xuyên biên giới toàn cầu có quy mô là 791,5 tỷ USD vào năm 2024 và sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 30,50% từ năm 2024 đến năm 2031. Để tận dụng tối đa cơ hội từ sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, triển khai TMĐT xuyên biên giới như một công cụ mở rộng thị trường tốt hơn.

Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới, lại có thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… nên dư địa, tiềm năng về TMĐT xuyên biên giới rất lớn.

2.-da-dang-hoa-uu-dai-va-nang-cao-trai-nghiem-nguoi-dung-2-.jpg

Theo Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh, một trong những nhiệm vụ được đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026-2030 (Bộ Công Thương đang trình Chính phủ ban hành) là phát triển TMĐT theo hướng xuất khẩu các sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế, đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể xúc tiến bán hàng ra thị trường toàn cầu.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh TMĐT xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tệp khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng ở nhiều thị trường trên thế giới.

Thông tin về tình hình 5 năm triển khai xuất khẩu trực tuyến qua Amazon, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gajae Seong cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam luôn tạo kỳ tích xuất khẩu xuyên biên giới khi chỉ trong vòng 5 năm (từ 2019 - 2023), số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán ra trên Amazon đã tăng hơn 300%.

Trong bối cảnh hội nhập, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA, hay RCEP mang lại các ưu đãi về thuế quan, giúp doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm dễ dàng hơn và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Như vậy, cùng với các chính sách khuyến khích xuất khẩu về thuế, tài chính và xuất khẩu từ phía Chính phủ, việc tận dụng những ưu đãi từ các FTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt rủi ro khi tham gia vào TMĐT xuyên biên giới.

Từ rất nhiều ưu điểm nổi bật trên, có thể khẳng định, TMĐT xuyên biên giới đã tạo ra bệ phóng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, quy mô để kinh doanh và xây dựng thương hiệu toàn cầu thành công. Việc tận dụng các nền tảng TMĐT quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phát triển trong nước mà còn vươn ra thế giới, tạo ra nhiều cơ hội và khả năng tăng trưởng bền vững.

Theo Tổng hợp
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Thương mại điện tử Việt Nam: đang tăng tốc nhưng cũng nhiều thách thức
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO