Tóc nội tôi rất dài, mỗi lần buông xõa là vấn vương tới tận gót chân. Trong cuốn tập làm văn tiểu học của tôi vẫn lưu lại những dòng chữ viết non nớt: “Bà nội em năm nay gần 80 tuổi. Mái tóc nội dài, đen như gỗ mun. Hằng sáng, nội thường ngồi vấn tóc bằng khăn lươn bên bếp lửa”.
Những sớm tinh mơ, khi sương còn giăng đầy trên cành cây ngọn cỏ, tôi thường ngồi nép bên bếp lửa bập bùng, vừa sưởi ấm vừa say mê ngắm nhìn nội vấn tóc. Lúc ấy, nội đã quét sạch sân vườn, nấu xong nồi cháo đậu xanh, trên bếp chỉ còn ấm nước đặt sẵn để pha trà. Nội tháo búi tóc quấn gọn sau gáy. Suối tóc đen tuyền xõa xuống, phủ kín tấm lưng gầy. Nội bắt đầu chải tóc.
Tóc nội đã có nhiều sợi màu mây, vành khăn lươn giờ phải dùng tới cuộn vải độn - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nội có một chiếc lược nhựa nửa răng dày, nửa răng thưa. Chiếc lược ấy là quà của ông nên nội vô cùng trân trọng. Dùng bên lược răng thưa, nội khẽ khàng chải nhẹ từng chút một từ ngọn tóc lên dần đỉnh đầu để gỡ những nút rối. Sau đó, nội dùng nửa răng dày chải nhịp nhàng từ đỉnh đầu xuống ngọn tóc. Tới khi tóc mượt mà sáng bóng, nội chia ngôi thành một đường thẳng tắp rồi buộc gọn thành đuôi gà lệch sang bên phải.
Tóc nội dài và dày đến mức vấn khăn mà chẳng cần cái độn, chỉ cần dùng dây vải thô quấn cố định tóc thành hình con lươn. Nội đặt một đầu chiếc khăn nhung đen mềm mại, hình chữ nhật dài, bên dưới phần gốc tóc buộc đuôi gà. Những ngón tay chằng chịt dấu ấn của tháng ngày cơ cực, khéo léo cuốn mép khăn rồi buộc lại thật chặt. Nội lần theo dải khăn, dịu dàng đem toàn bộ phần đuôi tóc cuốn gọn trong lớp vải nhung tuyền.
Sau khi cuốn xong, nội nâng khẽ vành khăn, chỉnh một chút ở phần chân tóc rồi đặt lên đầu. Nội bảo nếu đặt sát trán quá thì vành khăn bị sụp, đặt xa quá thì dễ bung, căn chỉnh sao cho phần khăn vấn cách đường chân tóc khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp vừa chắc chắn. Kéo đuôi khăn ra sau gáy, nội chỉnh thêm một lượt nữa cho gọn gàng rồi luồn xuống phía dưới phần khăn vấn. Tay nội nhịp nhàng kéo và ém phần đuôi lại. Vậy là thành một vành tóc vấn khăn lươn.
Thanh củi phơi phả ra mùi nắng đượm. Ánh lửa bập bùng soi sáng gương mặt nội hiền từ, thanh thoát với vấn tóc khăn lươn. Tôi ngây người ngắm nhìn vành khăn tròn đầy, đặt vừa khéo bên trên vành tai và lộ ra một đường mép khăn tinh tế. Tiếng củi nổ lách tách trong gian bếp nhỏ, nội thì thầm với tôi biết bao câu chuyện về vành khăn lươn.
Nội kể về những ngày thơ bé được bà cố dạy cách chải tóc, vấn khăn. Cố mất sớm, mỗi lần chải tóc, nội lại khóc vì nỗi đau mồ côi mẹ. Tháng năm chậm rãi trôi, nước mắt nội khóc thương cố đã khô, nhưng tình yêu nội dành cho cố còn mãi.
Tôi thường ôm lấy cánh tay nội, hít hà hương bồ kết vấn vương trên vành khăn lươn. Mái đầu ấy, nội đội nắng, đội sương, đội biết bao khó nhọc để chúng tôi có ngày hôm nay. Vành khăn lươn luôn được nội vấn chỉn chu giống như lời tri ân của nội dành cho phong tục truyền thống. Đó cũng là lời nội ngầm răn dạy con cháu trong nhà, dẫu trải qua bao nhiêu khó nhọc vẫn phải gìn giữ phẩm chất tốt đẹp, nếp sống văn minh, truyền thống đạo đức của gia đình, dân tộc.
Tôi lớn lên, rời xa nội để tới thành phố học tập và lập nghiệp. Những buổi sáng ngồi bên bếp lửa ngắm nội vấn tóc dần chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngày đầu đông, tôi trở về nhà, chợt nhận ra mái tóc nội đã có nhiều sợi màu mây và vành khăn lươn giờ phải dùng tới cuộn vải độn. Dường như hiểu được nỗi buồn đang dâng lên trong tôi, nội nhẹ nhàng ôm tôi tựa vào đôi vai gầy, một tay cầm que cời khẽ gảy cho ánh lửa bùng lên. Hơi ấm của lửa sưởi ấm đôi tay tôi lạnh cóng. Hơi ấm từ nội khiến trái tim tôi yên bình trở lại.
Và tôi biết, đường đời sau này, tôi mãi mãi có tình thương của nội bầu bạn. Hình ảnh nội tỉ mỉ vấn tóc, đôi tay gầy dịu dàng và những lời thủ thỉ ấm áp hóa thành ngọn lửa nhỏ sưởi ấm trái tim tôi.
Nguyễn Thanh Ngọc