"Mình uống gì em ơi?".
"Ráng chờ chị xíu".
"Hai cưng xếp hàng cho chị với nha".
Vừa nhanh tay pha những cốc cà phê sữa tươi, chị Ngọc Thương (sinh năm 1989) vừa trấn an các vị khách trẻ đang đứng xếp hàng chờ đợi trước quầy nước.
Hàng cà phê bệt này nằm trên đường Công xã Paris, hướng nhìn ra phía Nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP.HCM). Toàn bộ quầy nước được đặt gọn trên yên sau của chiếc xe đạp và một cái bàn con. Menu quán đa dạng với hơn chục loại đồ uống, được bán đồng giá 25.000 đồng/ly.
Chị Thương cho biết quán bán cả tuần nhưng đặc biệt đông đúc vào các sáng thứ 7, chủ nhật. Có những hôm mát mẻ, tạnh ráo, khách kéo đến đông nghịt, ngồi kín cả một góc đường từ lúc 6-7h.
"Khách quen cũng có, nhưng giờ chủ yếu là giới trẻ. Đồ uống được yêu thích nhất của quán là cà phê sữa, bạc xỉu, cà phê sữa tươi".
Không riêng gì quầy nước của chị Thương, các hàng quán khác xung quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Dinh Độc Lập cũng đông khách, tấp nập người xếp hàng. Nhiều người cho biết công việc kinh doanh đang khá lên nhờ trào lưu uống cà phê bệt trở lại sau vài năm gián đoạn.
Trong khi đó, nhiều thương hiệu lớn phải lần lượt rút khỏi các vị trí đắc địa. Hàng loạt mặt bằng xung quanh khu vực vòng xoay Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố thời gian gần đây đã đóng cửa, ngưng kinh doanh.
Cafe Saigon La Poste, cạnh Bưu điện Thành phố nhìn ra hướng Nhà thờ Đức Bà, đã "cửa đóng then cài" nhiều tháng qua. Phía trước khu vực này trở thành nơi giới trẻ tụ tập uống cà phê bệt.
Thương hiệu eDiGi cũng thông báo ngừng hoạt động cửa hàng bán lẻ ủy quyền cao cấp của Apple (APR) trên đường Công Xã Paris, ngay cạnh Bưu điện Thành phố từ ngày 28/4.
Quầy cà phê bệt của chị Thương trên đường Công xã Paris (quận 1, TP.HCM). |
Nhiều lựa chọn
Quầy nước của chị Thương không phải hàng cà phê bệt duy nhất trên con đường Công xã Paris. Ngay phía đối diện, một điểm bán đồ uống khác cũng đông đúc không kém.
Trong khi quầy nước của chị Thương thường được khách quen gọi là "quán hoa giấy" vì nằm dưới một dàn hoa lớn. Quán đối diện nằm kế bên Bưu điện Thành phố. Cùng có lợi thế là có view nhìn ra Nhà thờ Đức Bà, cả hai quán này có giá bán khá tương đồng.
Tuy nhiên, điểm khác biệt chính nằm ở chỗ quán chị Thương còn có thêm những bộ bàn ghế để phục vụ những vị khách muốn uống cà phê nhưng không muốn ngồi bệt.
Trong khi đó, ở phía đối diện, tất cả khách hàng sau khi mua đồ uống đều được phát cho một tấm bạt để ngồi trên vỉa hè.
Nằm cùng khu vực, hàng cà phê của chị Trâm (sinh năm 1991) có giá bán mềm hơn. Quầy nước này ở góc đường Alexandre de Rhodes, đối diện công viên 30/4, cách Dinh Độc Lập hai con đường.
Giới trẻ xếp hàng, ngồi cà phê bệt trên đường Alexandre de Rhodes. |
"Chúng tôi bán 20.000 đồng/ly cà phê, rẻ hơn các hàng ở quanh Nhà thờ Đức Bà. Ở đây, view nào tiền nấy thôi", chị Trâm cho hay.
Không có bàn ghế hay bạt ngồi như những quán khác, hàng cà phê bệt này phát cho mỗi khách một tấm bìa carton để lót ngồi trên vỉa hè.
"Góc này của chúng tôi khuất hơn phía bên kia, nhưng bù lại thì mát mẻ hơn do có nhiều cây xanh, gần công viên".
Đến khoảng 7h30, chủ quầy nước này không còn tấm bìa carton nào, nên một số khách chọn mua nước và sang công viên ngồi ghế đá.
Quỳnh Khanh (23 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết cô đã thử qua hầu hết hàng cà phê bệt ở trung tâm quận 1. Theo cô, những nơi này bán đồ uống na ná nhau nhưng khác ở chỗ ngồi, không gian.
"Ai thích ngắm phố phường nhộn nhịp thì ra Nhà thờ Đức Bà, còn muốn yên tĩnh hơn thì có thể ngồi ở góc công viên", Khanh gợi ý.
Chị Trâm cho biết khách đông nhất vào khoảng 7-8h các ngày cuối tuần. |
Nhanh bắt trend trà, cà phê của giới trẻ
Ngày cuối tuần, vỉa hè đường Alexandre de Rhodes nhộn nhịp với những hàng xe nối đuôi nhau chờ lấy đồ uống. Khách ra vào liên tục khiến đôi tay của anh Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1979), chủ quán cà phê bệt, làm nước không kịp ngơi nghỉ.
Ly nước khi xong công đoạn pha chế sẽ được đưa qua một người khác đóng gói và chuyển đến tay khách hàng. Cả quá trình chỉ mất vỏn vẹn 2 phút. Anh Hùng cho hay cuối tuần khách đến rất đông nên cần ít nhất 2-3 người phụ mới kịp phục vụ.
Hơn một năm trước, anh mở quầy cà phê ở đây với tệp khách chính là giới trẻ, người lớn tuổi và tài xế.
Khai trương sau các hàng quán xung quanh nhưng tiệm của anh vẫn hút khách nhờ giá rẻ hơn mặt bằng chung, chỉ từ 15.000-20.000 đồng/ly và bán kèm bánh mì để ăn sáng.
"Tôi lấy giá bình dân để bán được cho nhiều người, đặc biệt là các anh em tài xế. Họ thích uống cà phê đen lắm. Trong tuần thì khách chủ yếu là người đi làm. Cuối tuần mới đông giới trẻ", chủ quán chia sẻ.
Món trà mãng cầu vừa được anh Hùng thêm vào menu quán. |
Bên cạnh món chính là cà phê, anh Hùng còn tìm tòi làm thêm các loại đồ uống mới nổi trên mạng, đang được nhiều người trẻ quan tâm. Khoảng một tháng trước, trà mãng cầu đã được thêm vào thực đơn của quán này.
Anh Hùng mở hàng từ 6h và chỉ bán đến 8-9h là nghỉ. Anh cho biết mình không đếm số lượng ly vì sức mua còn tùy thuộc vào ngày mưa, ngày nắng. Tuy nhiên, từ khi uống cà phê bệt ở TP.HCM trở lại, không chỉ quán anh mà các quầy hàng lân cận cũng buôn bán tốt hơn.
"Hầu hết bạn trẻ thích ngồi ở đây vừa nhâm nhi ly nước, vừa trò chuyện, chụp ảnh. Kinh doanh ở công viên 30/4 nên tôi được thêm lợi thế có cây xanh mát mẻ, không gian thoáng đãng. Ai muốn ngồi lại tôi đều cho mượn bạt miễn phí", anh Hùng nói thêm.
Cầm 3 ly cà phê sữa tươi vừa mua trên tay, Thanh Tâm và hai cô bạn (cùng sinh năm 2004, quận Bình Thạnh), chọn một vị trí đẹp ở công viên 30/4 để ngồi trò chuyện. Đây là thói quen của 3 cô gái từ khi lên năm nhất đại học.
Tâm nhận xét con đường này là điểm hẹn khá lý tưởng vào cuối tuần vì có nhiều xe lưu động bán nước uống, đồ ăn nhanh tiện lợi với giá hợp túi tiền sinh viên.
"Ở đây rộng nên không lo hết chỗ và ít phương tiện qua lại. Những ngày rảnh là mình thường ghé quán này với bạn bè. Mình thích đi cà phê bệt vì sự bình dị, gần gũi, không câu nệ hình thức, có thể thoải mái cười to tự nhiên. Văn hóa này đã trở thành nét riêng của TP.HCM mà ai cũng muốn thử khi đến đây", Thanh Tâm nói.