Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Lao động Qatar Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri tại Thủ đô Doha, nhân chuyến thăm chính thức Qatar. Hợp tác lao động là nội dung quan trọng được các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất trong chuyến thăm lần này của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hợp tác lao động là lĩnh vực hợp tác truyền thống mà Việt Nam có thế mạnh, còn Qatar có nhu cầu.
Vì vậy, hai bên cần hỗ trợ, hợp tác với nhau để thúc đẩy lĩnh vực này bền chặt hơn, bài bản hơn, ổn định hơn.
Đề nghị Qatar hỗ trợ xây Trung tâm đào tạo lao động
Nhắc đến việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Qatar trong lĩnh vực lao động, Thủ tướng cho biết tháng 12 tới, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ sang làm việc với Bộ trưởng Lao động Qatar Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri để bàn bạc cụ thể.
"Đây là vấn đề hai bên đều quan tâm và cần thúc đẩy hợp tác lao động đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững và lâu dài", Thủ tướng lưu ý cần sớm hoàn thiện các thủ tục để ký kết bản ghi nhớ giữa hai bộ của hai nước về lĩnh vực lao động vào thời điểm thích hợp.
Về đề xuất xây dựng Trung tâm đào tạo lao động, Thủ tướng cho rằng nếu có sẽ rất tốt, nhằm đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo văn hóa, đào tạo ngôn ngữ, luật pháp, tạo thuận lợi cho người lao động sang Qatar làm việc, nhất là lao động chất lượng cao.
Cho biết Việt Nam đã dành quỹ đất và sẵn sàng cho việc này, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Lao động Qatar quan tâm, thúc đẩy để hiện thực hóa ý tưởng này.
Ông cũng nêu yếu tố thuận lợi khi Việt Nam là quốc gia đông dân với hơn 100 triệu người và đang ở giai đoạn dân số vàng. Vì thế, hai bên có thể tranh thủ hợp tác, hỗ trợ và kết nối lẫn nhau.
Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, còn Qatar có nhu cầu rất lớn
Bộ trưởng Lao động Qatar ghi nhận, các cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo cấp cao của Qatar đã trao đổi về các biện pháp tổng thể, toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như đầu tư, kinh tế, và cả lao động.
Vui mừng về những kết quả đạt được trong hợp tác lao động, Bộ trưởng Lao động Qatar cam kết sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.
Ông cho biết năm 2008, Việt Nam - Qatar có ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động. Từ đó đến nay, phía Qatar đã trao đổi với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam về dự kiến đàm phán, ký kết thêm một số thỏa thuận hợp tác mới, nhưng vẫn chưa hoàn tất.
Bộ trưởng Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri cho biết số lượng lao động Việt Nam tại đây chỉ dưới 1.000 người, trong khi một số quốc gia có vài trăm nghìn lao động làm việc ở Qatar.
"Việt Nam là nước có 100 triệu dân, đang ở giai đoạn dân số vàng với nhiều lao động trẻ và tay nghề cao. Còn Qatar có nhu cầu rất lớn về lao động nước ngoài. Trong 7-8 năm tới, để thực hiện chiến lược quốc gia của mình, Qatar cần rất nhiều lao động trong các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, dầu khí, công nghiệp giao thông vận tải…", Bộ trưởng Lao động Qatar nói.
Hoan nghênh việc Bộ trưởng Lao động Việt Nam sẽ đến Qatar vào tháng 12 tới, ông Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri nói rất trông chờ và sẵn sàng cùng Việt Nam chuẩn bị để chuyến thăm này đạt kết quả cụ thể.
Ủng hộ việc thành lập Trung tâm đào tạo lao động, Bộ trưởng Lao động Qatar cho rằng nếu thành lập được sẽ rất tốt để đào tạo kỹ năng cơ bản cho người lao động, cũng như đào tạo về văn hóa, ngôn ngữ và pháp luật.
Ông cho biết sẽ cùng các bên liên quan trao đổi với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để bàn bạc về khả năng phân bố khoản vốn hỗ trợ Việt Nam thành lập các trung tâm đào tạo lao động.
Bộ trưởng Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri hứa với Thủ tướng sẽ sớm đẩy nhanh đàm phán ký kết hợp tác mới về lao động. "Nếu sau này, con số lao động Việt Nam tại Qatar không vượt qua mốc 1.000, đó là trách nhiệm của chúng tôi", ông Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri nói.
Thủ tướng chia sẻ rằng, lãnh đạo cấp cao thống nhất chủ trương và đưa ra chỉ tiêu, còn hiện thực hóa sẽ do hai Bộ trưởng triển khai quyết liệt, hiệu quả, vì lợi ích chung hai nước, trên tinh thần đã nói là làm, đã hứa phải thực hiện, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể cân đong đo đếm và lượng hóa được.
Thúc đẩy ký bản ghi nhớ hợp tác về lao động mới trong tháng 12
Ngay sau khi kết thúc cuộc gặp với Thủ tướng, Bộ trưởng Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri đã cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ nhanh về kế hoạch triển khai các công việc mà Thủ tướng giao.
Bộ trưởng Đào đề nghị Qatar sớm hoàn tất các thủ tục để hai bên có thể ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Qatar trong lĩnh vực lao động.
Bộ trưởng Dung cũng đề nghị Qatar xem xét điều chỉnh những quy định, chính sách tiếp nhận và quản lý, sử dụng lao động cũng như các chế độ lương, thưởng, đãi ngộ, chăm sóc người lao động, nhằm thu hút một cách có hiệu quả người lao động Việt Nam làm việc tại Qatar.
Chỉ đạo các đơn vị liên quan, Bộ trưởng nhấn mạnh Thủ tướng đã giao nhiệm vụ, phải hoàn thành trong tháng 12 với tinh thần chủ động.
Hiệp định về lao động mới, theo Bộ trưởng, cần chú trọng các công việc như lao động, dạy nghề, tập trung vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như dầu khí, xây dựng, nhà hàng, khách sạn…
Việt Nam và Qatar thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1993, người lao động Việt Nam bắt đầu sang làm việc tại Qatar từ những năm 2000.
Thời điểm năm 2004-2008, Việt Nam duy trì số lượng trên 10.000 lao động làm việc tại Qatar, chủ yếu tại các dự án xây dựng lớn.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp dịch vụ, từ năm 2020 đến tháng 9/2024, có 245 lao động đi làm việc tại Qatar theo hợp đồng.
Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Qatar về tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc tại Qatar được ký kết năm 2008 đã tạo hành lang pháp lý cho việc phái cử và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam đi làm việc tại Qatar.
Nhưng với mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác về lao động với Việt Nam trong thời gian tới, năm 2023, phía Qatar chủ động đề xuất ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Qatar trong lĩnh vực lao động.
Hoài Thu (Từ Doha, Qatar)