Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần không tô hồng, không bôi đen mà nhìn rõ sự thật, đánh giá đúng bản chất.
"Kết quả lớn nhất đạt được là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ, giảm bội chi", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là dư địa để phát triển trong những tháng cuối năm.
Giảm lãi suất cho vay, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công
Dự báo sắp tới, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội, Thủ tướng định hướng nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Phân tích kỹ hơn, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu trong nước, hỗ trợ người lao động, phát triển mạnh thị trường trong nước với việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, khuyến mãi, giảm giá, khuyến khích ưu tiên dùng hàng Việt Nam....
Về đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn và thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư FDI bằng các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.
Với các địa phương, Thủ tướng quán triệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ các dự án, công trình trọng điểm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các cấp chính quyền; thành lập các tổ công tác, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Nhiệm vụ tăng cường kỷ luật, kỷ cương và xử lý các hiện tượng trì trệ bằng các biện pháp cán bộ cũng được người đứng đầu Chính phủ nhắc tới.
Với các bộ ngành, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai giải pháp giảm chi phí, lãi suất cho vay (cả vay cũ và vay mới); tăng khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các động lực tăng trưởng, các lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy các gói tín dụng như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Tài chính được giao tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, đẩy nhanh hoàn thuế VAT và triển khai hiệu quả chính sách giảm 2% thuế VAT nếu được Quốc hội thông qua; chuẩn bị chính sách bổ sung miễn, giảm thuế, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ triển khai hiệu quả đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Còn Bộ GTVT tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm, phối hợp thúc đẩy khởi công các dự án hợp tác công - tư.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc thúc đẩy dự án sân bay Long Thành, nếu không hoàn thành công việc thì thay người có trách nhiệm. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo vấn đề này.
Tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng
Lãnh đạo Chính phủ nhắc lại có thời điểm, trước lựa chọn ưu tiên kiểm soát lạm phát hay ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta lựa chọn ưu tiên kiểm soát lạm phát để không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. "Khi ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát, phải hy sinh một phần mục tiêu tăng trưởng. Đây là lựa chọn đúng đắn, nhất là trong lúc khó khăn", Thủ tướng nói.
Nhưng nay, trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát và giảm dần, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng.
Trong những bài học được nhắc đến, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, Thủ tướng quán triệt cần dứt khoát chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, nêu rõ chính kiến và tăng cường phân cấp, phân quyền.
Tại phiên họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và hành động quyết liệt của từng cá nhân, từng tập thể để tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc, đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Ban hành 618 quyết định cá biệt trong 5 tháng
Tính chung 5 tháng, Chính phủ, Thủ tướng đã tổ chức hơn 700 cuộc họp, hội nghị, hoạt động đối ngoại; ban hành 27 nghị định, 101 nghị quyết, 16 quyết định quy phạm pháp luật, 618 quyết định cá biệt, 36 công điện, 17 chỉ thị.
Lần đầu tiên, Chính phủ tổ chức 26 tổ công tác trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm tình hình và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Chính phủ đã ghi nhận trên 1.000 kiến nghị, trong đó đã giải đáp 300 kiến nghị.