Nhận lời mời của Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman bin Abdulaziz Al Saud, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Ả-rập Xê-út , từ ngày 18 đến 20/10.
GCC là một tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông, thành lập năm 1981, gồm 6 quốc gia khu vực vùng Vịnh là Ả-rập Xê-út, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Quatar, Kuwait, Bahrain và Oman. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với cả 6 nước thành viên GCC.
Quan hệ ASEAN - GCC bắt đầu năm 1990, khi Bộ trưởng Ngoại giao Oman, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng GCC, bày tỏ GCC mong muốn thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN.
Cùng năm đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và GCC đã gặp lần đầu tiên bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York.
ASEAN nhất trí với đề xuất của GCC tổ chức Hội nghị Cấp cao hai bên vào ngày 20/10 tại Riyadh, Ả-rập Xê-út. Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo Cấp cao của ASEAN và GCC gặp nhau kể từ khi thiết lập quan hệ năm 1990.
Tại Hội nghị Cấp cao, dự kiến các lãnh đạo Cấp cao ASEAN và GCC cùng thảo luận, đánh giá tổng thể hợp tác hai bên thời gian qua và đề ra những định hướng quan trọng, tạo thêm động lực mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN - GCC thời gian tới.
Hai bên cũng sẽ dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đồng thời dự kiến thông qua Tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị cấp cao.
Là thành viên nòng cốt của ASEAN, Việt Nam luôn phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đóng góp hiệu quả vào tăng cường quan hệ giữa ASEAN và GCC, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - GCC và quan hệ song phương giữa Việt Nam với từng nước thành viên GCC.
Năm 2018, Việt Nam đã đảm nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN - GCC, thúc đẩy tổ chức và cùng Kuwait, nước Chủ tịch GCC năm 2018, đồng chủ trì thành công Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC tại New York, ngày 27/9/2018, bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 73.
Tại hội nghị này, hai bên khẳng định cam kết mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, như thương mại, đầu tư, an ninh năng lượng và lương thực, chống khủng bố, kết nối, du lịch, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư…
Các nước cũng chia sẻ một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai khu vực, nhấn mạnh cần tăng cường trao đổi thường xuyên ở các cấp, trong đó có khả năng họp Bộ trưởng hai năm một lần.