Thủ tướng: Khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Nguyễn Trường| 01/10/2022 15:49

Đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc tiêm vaccine; khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số nơi như vừa qua.

Yêu cầu nêu trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, diễn ra sáng 1/10.

Thủ tướng: Khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế - 1

Theo Thủ tướng nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực (Ảnh: VGP).

Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phát biểu kết luận, Thủ tướng đặc biệt lưu ý quý IV có ý nghĩa quan trọng, là thời gian "nước rút" để "về  đích". Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng; đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, có giải pháp linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, hiệu quả.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh việc tiêm vaccine; bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế; khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số nơi như vừa qua; giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án xây dựng bệnh viện kéo dài.

Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương phải kiên trì, nhất quán, xuyên suốt, ưu tiên mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn; bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, năng lượng, lương thực, thông tin; tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhất là dịp cuối năm, lễ, Tết...

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phân tích thêm một số yếu tố tác động tới Việt Nam như cạnh tranh chiến lược, chính sách phòng, chống dịch, lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng, Thủ tướng lưu ý khi đồng USD tăng giá làm giảm giá đồng tiền nhiều nước, trong đó có đồng tiền của Việt Nam. Điều này tác động tích cực tới xuất khẩu nhưng tác động tiêu cực tới nhập khẩu. Do đó, chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và giảm nhập khẩu, tăng tổng cung và tổng cầu trong nước.

Ngoài ra, Thủ tướng còn yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, lập quy hoạch; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các Bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm các chính sách xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, người yếu thế, người có công; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác bảo hộ công dân…

Thủ tướng: Khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế - 2

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ (Ảnh: VGP).

Không hợp thức hóa cái sai nhưng có giải pháp giải phóng nguồn lực

Trước đó, nhấn mạnh một số nội dung, theo Thủ tướng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19 trên toàn quốc; tổ chức thành công chiến dịch tiêm vaccine, bảo đảm khoa học, hiệu quả, đến ngày 29/9, cả nước đã tiêm được trên 260 triệu liều, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về số liều vaccine trung bình mỗi người dân nhận được; tỉ lệ chuyển nặng, tử vong rất thấp so với thế giới (0,4% so với 1,1% bình quân toàn cầu); không để dịch chồng dịch; tạo nền tảng quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, các dự án yếu kém được tập trung xử lý, có hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền trên tinh thần không hợp thức hóa cái sai nhưng có giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải phóng các nguồn lực, như đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1; triển khai xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, Nhiệt điện Long Phú 1, Ô Môn, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Lào Cai, cơ sở 2 của các Bệnh viện Bạch Mai, Việt - Đức…

Cũng tại hội nghị, qua thực tiễn, Thủ tướng đã chỉ rõ nhiều bài học kinh nghiệm khi bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội.

Ngoài ra, cần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy mạnh tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả; kiên định mục tiêu nhưng thích ứng linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc chú trọng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và phân bổ nguồn lực phù hợp.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi, đề cao vai trò người đứng đầu, đồng thời phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của cấp dưới…

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO