Vừa xuất viện vì bị bệnh tiêu hoá được 2 tuần, chị Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bình Phước) lại tay bồng, tay bế con đi bệnh viện. Theo chị Thủy, con chị từ bé cháu đã yếu và đường tiêu hoá không tốt, nên mỗi lần vào mùa nắng, cháu thường xuyên trong cảnh nhập viện vì nôn ói, sốt do bệnh tiêu hoá.
“Mới nghỉ lễ được 1 ngày, cháu lại có biểu hiện sốt nên gia đình đưa thẳng lên bệnh viện TPHCM khám, bác sĩ cho nhập viện luôn vì cháu cần điều trị tích cực”, chị Thủy chia sẻ.
Tương tự, tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TPHCM) ghi nhận số trẻ đến khám do nôn ói, rối loạn tiêu hóa tăng khoảng 20%. Theo bác sĩ chuyên khoa I Lâm Bội Hy, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn như E.Coli, campylobacter, listeria, salmonella, botulinum… gây ra. Chúng có đặc điểm chung là phát triển mạnh trong môi trường có nhiệt độ từ 5-60 độ C.
Thời tiết nóng khiến thực phẩm ôi thiu, hư hỏng nếu không bảo quản đúng. Nếu trẻ ăn phải, vi khuẩn dễ tấn công hệ tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn là ngộ độc.
"Nhiễm trùng đường tiêu hóa chủ yếu lây qua đường ăn uống. Các sinh vật gồm nấm men, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng tấn công cơ thể gây nhiễm trùng đường ruột, dễ biến chứng nhiễm trùng máu", bác sĩ Bội Hy nhấn mạnh.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, dù là ngày lễ nhưng vẫn có rất nhiều bệnh nhi đến khám và điều trị nội trú. Thời điểm nắng nóng kéo dài, nên các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, tay chân miệng… phổ biến hơn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, nắng nóng kéo dài sẽ có nguy cơ sốc nhiệt. Nguyên nhân là do nhiệt độ bên ngoài cao hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể.
Đáng chú ý, những đối tượng nguy cơ cao bị sốc nhiệt là người lớn tuổi, trẻ em, vận động viên thể thao, người phải lao động quá lâu ngoài trời dưới nền nắng gắt không có bóng râm.
Khi gặp người có những dấu hiệu sốc nhiệt thì cần xử trí ban đầu bằng cách đưa người bị sốc nhiệt vào bóng râm, khu vực mát mẻ, cho uống nước từ từ. Nếu người bệnh có dấu hiệu lơ mơ, mất tri giác, hôn mê thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được cấp cứu.
Để phòng ngừa sốc nhiệt, bình thường cần phải uống đủ nước; riêng với những trường hợp buộc phải làm việc ngoài trời thì cần tiếp đủ nước, có thời gian nghỉ ngơi trong bóng râm. Nước uống có thể uống nước lọc thông thường, nước ép trái cây.Lưu ý, hạn chế uống nước ngọt không tốt cho sức khỏe.