Dành dụm, chắt chiu hơn nửa đời người, bà Trần Thị Hóa mới có đủ tiền mua căn hộ tại chung cư Bảy Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) để thoát “đời ở trọ”. Thế nhưng, niềm vui dọn vào ở nhà mới chưa được bao lâu, gia đình bà Hóa và hàng trăm cư dân khác lại sống trong nỗi bất an khi phát hiện chung cư chưa được nghiệm thu bất cứ nội dung nào, kể cả về PCCC.
Lo lắng hiểm họa cháy nổ, bà Hóa cùng các hộ dân ở đây phải bỏ tiền túi để tự trang bị các trang thiết bị PCCC.
Bà Hóa lo lắng “Tôi nhận nhà và dọn vào ở từ năm 2016, đến bây giờ chung cư vẫn chưa hoàn thiện và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. 2% phí bảo trì chung cư chủ đầu tư cũng giữ luôn mà không bảo trì, bảo dưỡng bất cứ thứ gì. Bây giờ lỡ có cháy… cũng thua” .
Tại chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân), dù chưa được nghiệm thu theo quy định, nhưng chủ đầu tư là Công ty TNHH Nguyễn Quyền đã tự ý đưa cư dân vào sinh sống từ năm 2013 đến nay. Đáng nói, chủ đầu tư chung cư này cố tình chây ì, né tránh, không tổ chức khắc phục bất kỳ tồn tại, thiếu sót nào về PCCC dù đã được cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn, kiến nghị, xử lý nhiều lần.
Anh Phạm Thái Nguyên, cư dân chung cư Nguyễn Quyền bức xúc: “Tôi rất bức xúc, cả chục năm nay chưa bao giờ thấy chủ đầu tư làm cái gì cả. Các thiết bị cảm biến báo cháy, tôi không chắc bên trong có dây điện hay không, mười năm nay chưa thấy nó báo động lần nào. Rồi thang thoát hiểm làm cho có thôi, từ lúc xây dựng cũng không có một lần bảo trì. Bây giờ nó rỉ sét, đi một mình mà còn sợ lọt chân xuống, lỡ có sự cố nhiều người cùng chạy ra một lượt chắc nó sập luôn cái thang. Khi mà sự cố xảy ra không biết đường nào mà cứu được.”
Khó xử lý và nhiều hệ lụy
Không chỉ bị đe dọa tính mạng, sống trong công trình chưa được nghiệm thu, hoàn công, cư dân còn phải chịu nhiều rắc rối, phiền toái. Không chịu nổi, có gia đình đã phải ngậm ngùi rao bán căn nhà mà trước đó họ từng mong mỏi được an cư.
Bà Phạm Thị Nhung và ông Nguyễn Ngọc Tùng sống tại chung cư Nguyễn Quyền nói: “Tiền phí vận hành các thứ chúng tôi đều đóng đầy đủ cho chủ đầu tư. Nhưng mười mấy năm nay rồi, chẳng thấy sửa chữa cái gì hết. Hai thang máy thường xuyên bị kẹt, có khi một ngày kẹt 2 - 3 lần luôn. Chính bản thân tôi cũng từng bị kẹt, phải nhảy từ tầng lửng xuống tầng G để thoát ra khỏi thang máy”.
“Ở trong căn nhà mình bỏ tiền ra mua nhưng cảm giác giống như là nhà thuê. Lý do là chưa có sổ hồng, thành ra việc mua bán căn hộ hay giao dịch của người dân rất khó khăn. Thậm chí nhiều anh chị cư dân ở đây có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh thì cũng không thể vay ngân hàng vì không có sổ hồng.”
Thống kê của Công an TP.HCM trên địa bàn hiện có 25 công trình thuộc hạng mục nhà chung cư chưa tiến hành nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng đã đưa dân vào ở. Vi phạm phổ biến ở những chung cư này là công trình thi công sai, không đúng hoặc không hoàn thiện theo đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt về PCCC; chủ đầu tư không bổ túc đầy đủ hồ sơ nghiệm thu PCCC theo quy định; không thực hiện các kiến nghị của cơ quan chức năng, không cố gắng khắc phục, để tình trạng vi phạm kéo dài dẫn đến không có cơ sở để nghiệm thu về PCCC đối với công trình...
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, các chung cư chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa vào hoạt động sẽ gây khó khăn, phức tạp cho việc xử lý các bước tiếp theo của công trình: “Giải pháp bắt buộc là phải hợp thức hóa các vấn đề này, cũng như tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo là cực kỳ phức tạp. Do đó, Sở Xây dựng đề nghị đối với công trình chưa được nghiệm thu, đưa vào sử dụng thì địa phương không cho bố trí người dân vào ở, phải cương quyết. Chứ vì áp lực của người dân, hay các vấn đề khác mà cho vào ở trong khi công trình chưa được nghiệm thu thì các bước tiếp theo không thể nào giải quyết được”.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết sẽ tham mưu, đề xuất và báo cáo UBND TP.HCM có biện pháp chế tài, yêu cầu chủ đầu tư các công trình này khẩn trương khắc phục tồn tại, thiếu sót, hoàn tất thủ tục theo quy định. Đối với các cơ sở, công trình đã được kiểm tra, kiến nghị xử lý nhiều lần nhưng chủ đầu tư không khắc phục thì áp dụng biện pháp tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành các quyết định sẽ đề xuất chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm: “Đối với các chủ đầu tư cố tình vi phạm quy định pháp luật về PCCC, các chung cư chưa được nghiệm thu PCCC đưa vào hoạt động mà có khả năng dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, hoặc xảy ra các vụ việc thì sẽ căn cứ tính chất, mức độ để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Lực lượng PCCC cũng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để hỗ trợ cho doanh nghiệp; đẩy mạnh phối hợp với các ngành trong công tác xử lý, kiểm tra giám sát các chung cư có vi phạm PCCC.”.
Cháy nổ ở chung cư, nhà cao tầng thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Vụ cháy chung cư Carina ở Quận 8 vào năm 2018 khiến 13 người thiệt mạng, hơn 50 người bị thương là minh chứng. Do vậy, rất cần những biện pháp xử lý, chế tài mạnh, đủ sức răn đe đối với các chủ đầu tư không chấp hành, tuân thủ pháp luật, xem thường tính mạng của cư dân.
Trong số 25 chung cư chưa được nghiệm thu về PCCC, có 6 chung cư ở TP. Thủ Đức, 2 chung cư ở quận Tân Phú, 2 chung cư tại quận Tân Bình, 2 chung cư ở Bình Tân, 2 chung cư ở quận Bình Thạnh, 2 chung cư ở huyện Bình Chánh. Các quận 3, 5, 6, 10 và 12 mỗi địa phương có 1 chung cư.
Cụ thể như tòa nhà C chung cư Cao Ốc Xanh (TP. Thủ Đức), chung cư nhà ở xã hội cao ốc đảo Kim Cương, tòa nhà River Park (Quận 10), chung cư Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình), chung cư Rubyland (quận Tân Phú), chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú), chung cư Hồng Lĩnh (huyện Bình Chánh), khu dân cư căn hộ cao tầng 584 (huyện Bình Chánh)....