Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tăng lên hàng quý (quý 1 tăng 3,28%; quý 2 tăng 4,05%; quý 3 tăng 5,33%) đã thể hiện xu hướng tích cực của nền kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng phần nào đã trở lại.
Tuy vậy, mức độ tăng trưởng GDP này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 – 2023. Nền kinh tế có khởi sắc nhưng vẫn sẽ mất một khoảng thời gian dài tiếp theo để người dùng có thể chi tiêu thoải mái. Điểm sáng là đa phần người dân đã trở nên nhạy bén hơn, chủ động và linh hoạt tuỳ biến mức chi tiêu của mình theo tình trạng kinh tế hiện tại. Về phương diện thanh toán, đây cũng là giai đoạn vàng để các hình thức thanh toán không tiền mặt mới được phổ biến rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dùng ở nhiều địa phương, nhiều tầng lớp.
Tăng chi tiêu thiết yếu và chăm sóc sức khoẻ
Theo báo cáo thị trường FMCG Việt Nam của Kantar phát hành quý 2 vừa qua, hơn 1/4 các hộ gia đình vẫn đang đối mặt với khó khăn về tài chính. Từ Quý 4/2019 đến Quý 2/2023, số lượng gia đình phải cắt giảm chi tiêu đã tăng đáng kể từ 19% lên 28%.
Quý 3 vừa qua, dù tín hiệu kinh tế đã ổn định hơn nhưng tâm lý lo ngại về công việc và thu nhập vẫn tồn tại, người dùng vẫn cắt giảm chi tiêu để đầu tư vào những giá trị cốt lõi như hàng hoá thiết yếu và tập trung chăm sóc sức khoẻ.
Thống kê dữ liệu của Payoo cho thấy, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh đang có tốc độ tăng trưởng khá. Giao dịch tại quầy của nhóm này tăng trưởng 14% về số lượng và 20% về giá trị so với quý trước, và tăng gần 40% về cả số lượng và giá trị kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, các giao dịch trực tuyến giảm 12% và số lượng và 11% về giá trị so với quý trước. Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh không còn duy trì mua trực tuyến như thời điểm sau dịch mà trở lại mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.
Một trong những nguyên nhân của tình hình khởi sắc nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi có thể xuất phát từ Chính sách giảm thuế VAT của Chính phủ từ 10% xuống 8% từ 1/7/2023, các chính sách bán hàng kích cầu riêng của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, cộng hưởng với chương trình ưu đãi cho mùa tựu trường khi phụ huynh tranh thủ sắm sửa những vật dụng cho trẻ bước vào năm học mới.
Đầu quý 3 cũng là mùa tăng trưởng doanh thu hàng năm của nhóm ICTs shop khi nhu cầu mua điện thoại, máy tính xách tay và máy tính bảng gia tăng dịp tựu trường. Bên cạnh đó, các chiến dịch cạnh tranh về giá tác động trực tiếp đến túi tiền người tiêu dùng được các nhà bán ICTs đồng loạt triển khai như: “Giá rẻ quá”, “Ở đâu giá rẻ, ở đây rẻ hơn”, “Rẻ hơn các loại rẻ” đã phần nào giúp ngành ICTs tăng trưởng trở lại so với kết quả kinh doanh kém khả quan trong 2 quý đầu năm.
Tổng kết quý 3, đối với các giao dịch trực tuyến được thực hiện trên website và ứng dụng di động, nhóm ngành ICTs tăng 42% về số lượng, 19% về giá trị so với quý trước; giao dịch tại quầy tăng gấp 2 về số lượng và giá trị so với quý trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng khoảng 15%. Trong đó, giao dịch những ngày cuối tháng 9 tăng đột biến nhờ đợt mở bán chính thức các dòng sản phẩm iPhone 15 series – sản phẩm được những người yêu thương hiệu Apple chờ đón từ lâu.
Một trong những xu hướng được ghi nhận từ quý 2 và tiếp tục duy trì đến nay là người dân quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khoẻ. Trong quý 3, lượng giao dịch ở nhóm các sản phẩm wellness, dược phẩm, thực phẩm chức năng tăng 42% so với quý trước trên kênh online, và tăng 20% trên kênh POS tại quầy. Cùng với đó, lượt mua các gói chạy, đạp xe với các đối tác giải thể thao, chạy bộ cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt.
Đi ngược dòng với nhóm sản phẩm dịch vụ thiết yếu, các nhóm sản phẩm dịch vụ không thiết yếu đều giảm nhiệt. Cụ thể, nhóm Gym và Fitness, làm đẹp, spa, mỹ phẩm giảm khoảng 10% - 20% về cả số lượng và giá trị so với quý trước.
Du lịch ổn định, F&B tăng ấn tượng so với cùng kỳ
Du lịch để tìm kiếm những trải nghiệm sống mới từ lâu đã trở thành phong cách của nhiều người Việt trẻ. Việt Nam vừa trải qua những tháng hè cao điểm của mùa du lịch, các giao dịch mua vé máy bay, tour du lịch tại quầy tăng nhẹ so với quý trước và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi du lịch giữ đà tăng ổn định thì thanh toán cho ngành F&B tại quầy bứt phá ấn tượng so với cùng kỳ năm trước: tăng 58% về số lượng và 35% về giá trị. Trong đó, nổi bật là tăng trưởng của nhóm các nhà hàng cao cấp. Giá trị đơn hàng trung bình của các nhà hàng dành cho người có thu nhập khá giả này tăng 7% so với quý trước, trong khi giá trị trung bình của các đơn hàng thức uống, thức ăn nhanh hầu như không thay đổi.
Khuyến mãi được săn đón
Mặc dù tăng trưởng của một số nhóm ngành trong quý 3 là đáng ghi nhận nhưng có thể nhìn thấy xu hướng tìm kiếm mặt hàng giá rẻ hơn vẫn duy trì ở nhiều nhóm ngành (ngoại trừ ngành F&B), khi số lượng giao dịch tăng đáng kể nhưng giá trị giao dịch chỉ tăng nhẹ, không tăng hoặc giảm nhẹ. Chính xu hướng tiết kiệm chi tiêu, cùng với sự phát triển của nhiều nền tảng mua sắm, người dùng được tiếp cận cùng một sản phẩm với đa dạng nhà bán hàng nên đã hình thành thói quen so sánh giá giữa nhiều nhà cung cấp và tích cực tìm kiếm các ưu đãi để chọn một mức giá hời hơn cả.
Báo cáo của Kantar cho thấy 49% người tiêu dùng tham khảo nhiều cửa hàng để tìm kiếm chương trình ưu đãi hấp dẫn trước khi quyết định mua hàng. Khuyến mãi cũng đang trở thành động lực kích thích tiêu dùng và là lý do để người dùng chờ đợi khi muốn sở hữu một món đồ mới.
Đi cùng xu thế này, các ngân hàng, ví điện tử cũng liên tục tung ra các chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích các hình thức thanh toán không tiền mặt. Nhờ có nền tảng công nghệ được cấu hình sẵn sàng, Payoo có lợi thế đặc biệt là có thể triển khai ngay các chương trình khuyến mãi khi đối tác có ý tưởng, giúp đối tác tiết kiệm thời gian chuẩn bị, đặc biệt là khi xây dựng những chương trình đột xuất. Từ đầu năm đến nay, Mastercard, Napas, VPBank đã tổ chức nhiều chương trình ưu đãi cho thanh toán thẻ và thanh toán không tiếp xúc tại các đối tác của Payoo trên nền tảng khuyến mãi do Payoo phát triển và ghi nhận những kết quả khả quan. Tiêu biểu, trong thời gian diễn ra chương trình ưu đãi của Mastercard, lượng giao dịch tại cửa hàng F&B tăng 15%, tại các cửa hàng tiện lợi tăng từ 25% - 43% so với thời điểm thông thường.
Thanh toán không tiếp xúc đang trở thành hình thức được ưa thích hơn cả đặc biệt với giới trẻ bởi trải nghiệm thanh toán nhanh chóng, an toàn và chủ động mà nó mang lại. Cùng với sự phát triển và phổ biến của thanh toán không tiếp xúc là sự chủ động của người dùng: tự chạm điện thoại, đồng hồ hay thẻ vào thiết bị thanh toán mà không cần thông qua thu ngân.
QR Code dẫn đầu xu thế
QR code trở thành xu hướng thanh toán phổ biến nhất và tỷ trọng thanh toán QR code ngày càng tăng. Theo Napas, quý 3 vừa qua, thanh toán QR qua VietQR đã tăng trưởng gấp đôi về số lượng và đạt hơn 100 triệu lượt giao dịch/tháng. Trên hệ thống Payoo, thanh toán QR code trên nền tảng trực tuyến trong quý 3 đang tăng 6% số lượng và 30% giá trị so với quý trước. Tại quầy, thanh toán QR code tăng 8% về số lượng và gần 20% về giá trị, và đạt mức tăng 44% so với 3 tháng đầu năm.
Tỷ trọng giá trị thanh toán QR code so với hình thức thanh toán khác là khoảng 20% với giao dịch tại quầy và gần 40% với giao dịch trực tuyến. Tỷ trọng này đã có sự tăng trưởng dần đều ở mỗi quý. Đặc biệt, nếu như QR code trước đây chỉ phổ biến trong các giao dịch mua sắm, ăn uống tự doanh của cửa hàng thì nay cũng đã phổ biến trong lĩnh vực thanh toán hoá đơn. Hiện tại, các dịch vụ hoá đơn cũng đang triển khai hình thức thanh toán QR code (Điện, Nước, Truyền hình, Internet, Phí dịch vụ, Điện thoại cố định, học phí, viện phí). Số lượng giao dịch QR code mảng hoá đơn đã tăng 2,6 lần so với Quý 2.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thanh toán QR dẫn đầu xu thế bởi hình thức này được đón nhận từ mọi bên: từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và cả người dùng.
Về phía Chính phủ, nhiều chính quyền địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Bến Tre, Bình Phước,… đã quy hoạch những tuyến phố không dùng tiền mặt. Các cơ quan đoàn thể như Tổng công ty Điện lực, Các đơn vị cấp nước, Sở Giáo dục và Đào Tạo,… khuyến khích thanh toán không tiền mặt.
Về phía người dân, thanh toán QR không chỉ được người trẻ am hiểu công nghệ đón nhận mà còn thân thiện với cả những người lớn, trung niên. Trong một số lĩnh vực như taxi truyền thống – phổ biến với người dùng trung niên, tỷ trọng giao dịch thanh toán qua mã QR cũng ghi nhận mức tăng trưởng từ 10% lên 40%.
Về phía doanh nghiệp, phí thanh toán QR code rất cạnh tranh so với hình thức khác như thẻ truyền thống nên được nhiều nhà bán hàng ưa chuộng. Trong tương quan giữa thanh toán thẻ và QR, thẻ có vẻ chiếm ưu thế ban đầu với 140 triệu thẻ đang lưu hành trên thị trường (103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế), nhưng QR đã nhanh chóng vươn lên trở thành phương thức phổ biến thời gian gần đây.
Điều này xuất phát từ việc triển khai thanh toán QR dễ dàng và ít tốn kém – so với chi phí đầu tư cho thanh toán thẻ thường khá cao, buộc các ngân hàng, tổ chức thẻ tính chi phí vận hành trên mỗi giao dịch. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, phí xử lý thanh toán chính là gánh nặng và trở thành rào cản khiến các giao dịch thẻ ít được đón nhận hơn. Điều này thể hiện rõ ở các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, khi nhiều trường hợp nhà bán chỉ chấp nhận cho khách hàng thanh toán QR để tối ưu chi phí.
Tuy vậy, với góc nhìn của Payoo, để thị trường thanh toán điện tử có sự đa dạng và hỗ trợ lẫn nhau mà không quá thiên lệch về một hình thức nào, cần có sự điều phối từ nhà nước và các đơn vị tài chính dẫn đầu, gồm ngân hàng, tổ chức thẻ về vấn đề phí. Mục đích của việc điều phối này là để người dùng được quyền lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với nhu cầu của họ thay vì quyền lựa chọn hiện nay phần lớn thuộc về các nhà bán hàng.
Thanh toán không tiếp xúc ngày càng được ưa chuộng
Apple Pay ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8 khiến thanh toán contactless được lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng yêu công nghệ. Nhưng từ trước đó, các ngân hàng, tổ chức thẻ đã cùng phối hợp, nỗ lực truyền tải thông điệp về sự thuận tiện, nhanh chóng, an toàn của phương thức thanh toán này. Mastercard một tổ chức thẻ tiên phong trong việc truyền thông và hướng dẫn thanh toán contactless thông qua các chương trình khuyến mãi được tổ chức 3 năm liên tiếp trên hàng ngàn điểm bán. Phía Napas cũng cho biết toàn bộ thẻ phát hành mới hiện tại đều là thẻ contactless. Nhiều ngân hàng bán lẻ cũng phát hành đồng thời các loại thẻ vật lý lẫn thẻ phi vật lý đa tính năng gắn với thiết bị di động như đồng hồ, điện thoại, giúp tiết kiệm chi phí phát hành phôi thẻ và thân thiện với môi trường.
Sau nhiều nỗ lực giáo dục thị trường, những thu ngân viên khi nhìn thấy biểu tượng contactless trên thẻ đã lập tức “chạm” chứ không mặc định chèn chip hoặc quẹt dải từ vào đầu đọc như trước. Người dân cũng đã dần thay đổi thói quen trong thanh toán từ chỗ đưa thẻ cho thu ngân xử lý nay họ chủ động chạm thẻ vào thiết bị. Các ngân hàng, tổ chức tài chính khác cũng lần lượt chi ngân sách lớn cho các chương trình ưu đãi dành riêng cho thẻ contactless.
Thống kê trên nền tảng Payoo ghi nhận, quý 3 vừa qua, giao dịch thanh toán contactless đã tăng 8% số lượng và 18% giá trị so với Q2, tăng 35% số lượng và giá trị so với Q1 và dự kiến sẽ còn tăng mạnh nữa vào cao điểm mua sắm cuối năm khi nhiều chương trình khuyến mãi cho riêng phương thức thanh toán này được triển khai đồng loạt trên toàn quốc.
Bên cạnh thanh toán thẻ contactless, một xu hướng thẻ mới đang được các ngân hàng chủ động phát hành là Thẻ tín dụng nội địa. Với ưu điểm tính năng như thẻ một thẻ tín dụng quốc tế nhưng dành cho thị trường nội địa, phí xử lý thanh toán thấp hơn nhiều so với thẻ quốc tế, đây dự kiến cũng là phương thức thanh toán được đón nhận trong thời gian tới.