Thanh toán không tiền mặt tăng tốc

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)| 17/06/2023 11:39

Tăng trưởng thanh toán không tiền mặt năm sau luôn cao hơn năm trước.

thanh-toan-khong-tiep-xuc-qua-payoo-pos-2-.jpg

Sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt đã trở nên phổ biến với mọi người dân từ thành thị đến nông thôn, từ khối tư nhân đến khối dịch vụ công, từ thanh toán hóa đơn đến mua sắm trực tuyến hay tại cửa hàng. Các hình thức thanh toán không tiền mặt cũng ngày càng phong phú từ thanh toán thẻ truyền thống đến các phương thức mới như mã QR, thanh toán không tiếp xúc, eVoucher.

Những con số đáng khích lệ

Số liệu từ Payoo cho thấy, thanh toán hóa đơn có sự chuyển dịch từ thanh toán trực tiếp sang trực tuyến kể từ ngay sau dịch. Cụ thể, năm 2019, người dân vẫn giữ thói quen thanh toán hóa đơn tại cửa hàng gần nhà - chiếm hơn 80% tỷ trọng, trong khi thanh toán trực tuyến chỉ gần 20%. Khi dịch bệnh bùng nổ, người dân bị buộc phải chuyển sang thanh toán trực tuyến và dần quen thuộc nhờ tính tiện lợi, nhanh chóng, đa dạng của hình thức này. Tỷ lệ thanh toán hóa đơn trực tuyến tăng đều theo từng năm, đến nay đã tăng gần gấp 3 lần so với trước dịch.

Cụ thể, theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đến hết tháng 4/2023 đạt 85,11%, vượt 5,84% so với chỉ tiêu EVN giao năm 2023; doanh thu qua kênh thanh toán không tiền mặt đạt tỷ lệ 96,34%. Trong khi đó, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về thu tiền điện không dùng tiền mặt, trong năm 2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đạt 98%, vượt kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao 13%.

thanh-toan-khong-tien-mat-pho-bien-trong-f-b-2-.jpg

Thanh toán không tiền mặt cho khối tư nhân tăng trưởng rõ rệt hơn bao giờ hết qua từng quý, từng năm. 6 tháng đầu năm 2023, tuy nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng điểm sáng là thanh toán điện tử vẫn tăng trưởng nhanh. Thanh toán không tiền mặt phát triển trong mọi hoạt động mua sắm, ăn uống và chăm sóc sức khỏe.

Với lĩnh vực F&B, thanh toán không tiền mặt nửa năm 2023 so với cùng kỳ tăng gấp đôi về số lượng và 25% về giá trị. Trong khi đó, lĩnh vực siêu thị ghi nhận sự tăng trưởng 64% về số lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ.

Một xu hướng rõ nét trong năm nay là sự quan tâm của người trẻ trong việc chăm sóc vẻ ngoài cũng như cải thiện sức khỏe bên trong. Các lĩnh vực thời trang, trang sức và phụ kiện đã tăng gấp 3 về số lượng và gấp đôi về giá trị, trong khi làm đẹp, mỹ phẩm tăng 1,5 lần về số lượng và 2 lần về giá trị.

Song song với khối tư nhân, khối dịch vụ công, học phí, viện phí cũng đạt những bước tiến lớn. Với mảng học phí, từ năm học mới 2022-2023, nhờ sự tham gia của nhiều ngân hàng trong việc tích hợp giải pháp thanh toán học phí của Payoo vào ứng dụng ngân hàng, tăng trưởng thu học phí không tiền mặt đã có sự bứt tốc đáng kể. So sánh giữa năm 2022 và 2023, giao dịch thu hộ học phí qua nền tảng trực tuyến tăng gấp 7 lần, trong đó qua kênh ngân hàng tăng hơn 8 lần. Giao dịch trực tiếp tại cửa hàng cũng tăng gần gấp 2,5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Với viện phí, Payoo phối hợp với nhiều đối tác triển khai dịch vụ thanh toán cho hơn 30 bệnh viện bao gồm BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược, BV Răng Hàm Mặt, BV Y học Cổ truyền, BV Nguyễn Tri Phương, BV Quân Y 175, BV Ung bướu,... Tăng trưởng giao dịch thanh toán viện phí qua Payoo tăng gấp 3 lần số lượng, gấp 2 lần giá trị so với cùng kỳ năm trước. Bệnh nhân và người nhà có thể lựa chọn đặt hẹn và thanh toán phí khám chữa bệnh thuận tiện với đa dạng các phương thức khác nhau: thẻ nội địa, thẻ quốc tế, quét mã QR qua ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.

Trong nhóm dịch vụ công, bên cạnh Cổng dịch vụ công quốc gia, Payoo cung cấp dịch vụ thanh toán cho các Sở, ban, ngành địa phương, hỗ trợ địa phương phục vụ tốt cho người dân đối với các dịch vụ hành chính công. Sau thời gian triển khai, Payoo nhận thấy mức tăng trưởng giao dịch không tiền mặt ấn tượng ở các đơn vị này, gấp 2,3 lần về số lượng và 1,8 lần về giá trị so với cùng kỳ. Điều này chứng tỏ, nỗ lực của chính phủ và các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán trong việc thúc đẩy người dân thanh toán không tiền mặt đã bước đầu đạt kết quả khả quan.

Thanh toán qua mã QR, thanh toán không tiếp xúc, eVoucher ngày càng phổ biến

Ông Kelvin Tanu Utomo - Trưởng bộ phận Sản phẩm & Giải pháp, Visa Việt Nam và Lào - cho biết: Thanh toán kỹ thuật số, đặc biệt thanh toán không tiếp xúc, là một xu hướng đang phát triển nhanh chóng ở châu Á và Việt Nam.

thanh-toan-khong-tien-mat-pho-bien-trong-f-b-1-.jpg

Theo ông Kelvin Tanu Utomo, tại Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của số lượng các thiết bị chấp nhận thanh toán, điểm chấp nhận thanh toán thẻ, thanh toán không tiếp xúc hoặc mã QR, nhờ vậy, tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ của toàn thị trường trong năm 2022 đã tăng hơn 50% so với năm ngoái.

Ông Kelvin Tanu Utomo cũng cho biết hiện tại có 9 xu hướng được quan tâm trong lĩnh vực thanh toán số. Trong đó có ba điểm cần nhấn mạnh gồm: Thanh toán qua ví điện tử - đang phổ biến nhất tại Việt Nam nhờ trải nghiệm thuận tiện cho người dùng, các ưu đãi và sự phủ rộng trong chấp nhận thanh toán qua hình thức này; Yêu cầu người dùng về việc có trải nghiệm không rào cản ngày càng cao; Các bên cần tham gia vào quy trình thanh toán và chia sẻ dữ liệu.

Đáng chú ý, thanh toán không tiếp xúc có cơ hội phát triển khi đảm bảo nhiều yếu tố như: trải nghiệm thanh toán mượt mà và ít rào cản, đảm bảo an toàn, tăng doanh số cho người bán, giảm bớt rào cản xử lý thanh toán không tiền mặt. Theo đó, hiện nay tại Việt Nam cứ 10 giao dịch thanh toán trong cửa hàng thì có gần 5 giao dịch không tiếp xúc.

Với mức như trên, sắp tới sẽ có nhiều ví điện tử tham gia vào thanh toán không tiếp xúc. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể thanh toán bằng điện thoại, đồng hồ đeo tay… hay đi xe buýt, tàu điện… cũng có thể thanh toán không tiền mặt.

Thanh toán không tiếp xúc qua QR và thẻ Contactless ngày càng trở nên phổ biến với người dùng do sự tiện lợi và tính an toàn. Theo thông tin của Vụ Thanh toán, tính đến cuối tháng 3/2023, thanh toán qua phương thức QR code tăng mạnh mẽ nhất với 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị; qua POS tăng 37,5% về số lượng và 32% về giá trị. Trong đó, chỉ tính riêng nền tảng thanh toán Payoo, giá trị thanh toán QR qua mạng lưới đối tác trong quý I vừa qua trên cả 2 kênh online và qua POS đã tăng trưởng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng thanh toán QR trong các hình thức thanh toán ở nhiều lĩnh vực vượt hơn 30%.

Trong đó, top 5 lĩnh vực có số lượng giao dịch QR nhiều nhất theo thứ tự là: dịch vụ ăn uống; thời trang, mỹ phẩm; siêu thị và cửa hàng tiện lợi; nội thất và đồ dùng gia đình, cửa hàng bán lẻ khác.

Thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ vật lý qua công nghệ giao tiếp trường gần (NFC) cũng tăng trưởng nhanh chóng trong năm qua. 6 tháng đầu năm 2023, số lượng giao dịch không tiếp xúc qua thẻ gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Với việc các ngân hàng nhanh chóng phát hành thẻ không tiếp xúc, các tổ chức thẻ nỗ lực khuyến khích người dân trải nghiệm hình thức thanh toán mới thông qua chương trình khuyến mãi, việc thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc ngày càng phổ biến bởi nhà bán hàng và khách hàng đều nhận ra những ưu điểm của hình thức thanh toán này: tốc độ xử lý nhanh chóng, giao dịch thuận tiện và tính an toàn, bảo mật.

Đường đua thanh toán không tiền mặt không chỉ có thẻ truyền thống, thẻ contactless, ví điện tử mà nay đa dạng hơn nhờ quà tặng số. Hình thức này mới nổi gần đây, góp phần vào công cuộc tiến đến không tiền mặt của toàn xã hội. Đối với doanh nghiệp, quà tặng số đơn giản và tiết kiệm hơn. Với người dùng, quà tặng số văn minh, hiện đại hơn, có thể quy đổi theo đúng nhu cầu của mình trong một danh mục quà tặng rộng khắp với hàng trăm thương hiệu.

Đơn vị cung cấp hào hứng triển khai dịch vụ

Trong khi đó, thanh toán không dùng tiền mặt ở kênh phân phối hiện đại hiện nay đã phát triển hơn trước rất nhiều. Tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tới 42% giao dịch trên toàn hệ thống WinMart/WinMart+. Các hình thức thanh toán phổ biến gồm quẹt thẻ VISA, thẻ ATM, scan QR Code qua mobile app của các ngân hàng, thanh toán Tpay của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và thanh toán qua ví VinID. Tại hệ thống MM Mega Market, có hơn 10% khách hàng chọn thanh toán không tiền mặt.

nguoi-dan-su-dung-ma-qr-khi-mua-sam-2-.jpg

Còn tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra… của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), tỉ lệ này cũng đã tăng mạnh, đạt gần 10%. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart, cho biết Saigon Co.op đang đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng, ví điện tử, app… triển khai các chương trình khuyến mãi và tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng tham gia thanh toán trực tuyến. "Thanh toán không tiền mặt càng phát triển, doanh nghiệp bán lẻ càng được lợi bởi thời gian thanh toán nhanh, đỡ mất công kiểm đếm tiền, giảm sai sót, đỡ phải đổi tiền lẻ để thối cho khách…" - ông Thắng cho hay.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc NAPAS, cho biết hoạt động dán mã QR cho các tiểu thương, hộ kinh doanh cùng với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khác như thẻ, tài khoản ngân hàng, ví điện tử... góp phần tạo sự thuận lợi cho người dân. Sắp tới, NAPAS sẽ thúc đẩy thanh toán VietQR là điển hình của việc thanh toán qua điện thoại thông minh, cũng là mục tiêu hướng tới trong phổ cập thanh toán không tiền mặt cho người dân.

Nhiều ngân hàng thương mại cũng đã triển khai giải pháp nâng tầm thanh toán không tiền mặt. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ngoài thanh toán qua mã VietQR, MB cũng đã sớm triển khai thanh toán qua Google Pay. "Chỉ mất 10 giây cho một giao dịch", là chia sẻ của đại diện MB khi nói về thanh toán qua Google Pay. Khách hàng chỉ cần gắn thông tin thẻ MB Visa lên ứng dụng Google Pay và đưa điện thoại của mình đến gần thiết bị thanh toán không tiếp xúc, giao dịch sẽ hoàn tất trong giây lát. Đặc biệt, phương thức này có độ bảo mật rất cao.

Tại Techcombank, hiện hơn 90% giao dịch của khách hàng qua ngân hàng này được thực hiện qua kênh số, tỉ lệ gắn bó với ứng dụng đạt đến 88%. Khối lượng giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý I/2023 của Techcombank tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 238,4 triệu lượt, với giá trị giao dịch đạt 2,1 triệu tỉ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, tính tới tháng 4-2023, tỉ lệ khách hàng tự mở tài khoản online toàn diện đã tăng 7 lần so với tháng đầu năm.

Theo các chuyên gia tài chính, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi hành vi thanh toán của người dùng khi hơn 74,6% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng. Nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện trên kênh số; 3,71 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở hay chỉ một ví điện tử có tới 31 triệu người dùng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
  • Những ngành nào có thanh toán không tiền mặt nhiều nhất
    Số liệu giao dịch thống kê qua nền tảng thanh toán Payoo trong các lĩnh vực dịch vụ công, giáo dục, du lịch, F&B, bán lẻ, thời trang, điện máy cũng cho thấy giá trị thanh toán không tiền mặt quý II tăng trưởng mạnh so với quý I/2022.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán không tiền mặt tăng tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO