Theo ông Tuấn, tỉnh Thanh Hóa là tỉnh có quy mô diện tích và dân số lớn, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương này sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; là cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Ông Tuấn cho rằng, số lượng phó giám đốc các sở theo quy định của Chính phủ đối với Thanh Hóa hiện nay cũng bằng với một tỉnh có quy mô dân số, diện tích nhỏ, như vậy là chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Do đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất cơ chế, chính sách tương đồng như thành phố Hà Nội và TPHCM, ngoài số lượng phó giám đốc sở theo quy định, mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc sở.
Cụ thể, từ 4 đến 5 cấp phó đối với các đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Từ 3 đến 4 cấp phó đối với các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Công thương.
Quy định 3 cấp phó đối với các đơn vị: Sở Nội vụ; Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế, Thanh tra tỉnh.
Quy định 2 cấp phó đối với các đơn vị: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ. Ngoài ra, Ban Dân tộc từ 2 đến 3 phó trưởng Ban.
Sau khi quyết định có hiệu lực, các sở, cơ quan ngang sở của tỉnh Thanh Hóa căn cứ khung số lượng cấp phó quy định để thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo đúng quy định.