Tòa thành quân sự bằng đá ong độc đáo nhất Việt Nam
Còn gần một tuần nữa mới diễn ra kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây với nhiều hoạt động hấp dẫn nhưng ngay từ lúc này trên địa bàn thị xã đã xuất hiện nhiều cụm tranh cổ động, băng rôn... đường hoa trang trí bắt mắt tuyên truyền về sự kiện văn hóa ý nghĩa này trong niềm vui hân hoan, tự hào của người dân. Thành cổ Sơn Tây hiện lên trong khung cảnh núi non hùng vĩ, nên thơ, làm lay động lòng người. Không chỉ mang trong mình dấu ấn lịch sử, Thành cổ Sơn Tây còn gây ấn tượng với du khách bởi vẻ đẹp tráng lệ, nguy nga của công trình kiến trúc cổ vô cùng độc đáo và tinh tế.
Theo cuốn sách "Thành cổ Sơn Tây" của UBND thị xã Sơn Tây, Sơn Tây xưa là một trong “tứ trấn”, nằm phía Tây Kinh đô Thăng Long, gọi là trấn Đoài, vùng “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, chứa đựng nhiều dấu tích phản ánh tinh thần đấu tranh bất khuất, trung dũng, kiên cường của nhân dân trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Sơn Tây luôn có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, là một trong những lũy thép bảo vệ Kinh thành Thăng Long xưa cũng như Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Đáng chú ý, di tích quốc gia Thành cổ Sơn Tây cùng hệ thống di tích khá dày đặc của vùng đất cổ Sơn Tây đã tạo nên giá trị đặc sắc của mảnh đất xứ Đoài. Thành được xây dựng vào năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn, là tòa thành quân sự bằng đá ong độc đáo nhất Việt Nam. Trải qua 200 năm, đến nay, Thành cổ Sơn Tây vẫn được bảo tồn và lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự, khoa học...
Có nhiều năm nghiên cứu khảo cổ về Thành cổ Sơn Tây, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín cho rằng, Thành cổ Sơn Tây là đại diện cho một thời kỳ xây dựng thành lũy nhiều nhất ở Việt Nam, trong bối cảnh các cuộc chiếm đất làm thuộc địa diễn ra hầu khắp trên thế giới. Trải qua nhiều thăng trầm, Thành cổ Sơn Tây hiện còn những dấu tích tốt nhất, minh chứng cho kỹ thuật xây dựng công trình quân sự phòng thủ ở phía Bắc, vì hầu hết các tòa thành khác đã cơ bản mất hết dấu tích hoặc không dễ dàng tiếp cận dấu tích còn lại.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây chia sẻ, đến nay, tòa thành đá ong độc đáo này đã tồn tại gần 2 thế kỷ thông qua những sử liệu, hiện vật khảo cổ học hay tận mắt chứng kiến các dấu tích kiến trúc còn lại.
Theo ông Nguyễn Huy Khánh, sự đánh giá, cảm nhận trực quan, khách quan của đông đảo du khách, nhân dân, các nhà nghiên cứu xa gần đã khẳng định, Thành cổ Sơn Tây là nơi hội tụ, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc niên đại, môi trường sinh thái quý báu đã tồn tại và được quản lý, bảo tồn suốt thời gian dài. Sự tồn tại bền vững của tòa thành có hình tứ giác rộng lớn nằm ở giữa trung tâm của thị xã này đã nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của Nhà nước, sự ủng hộ, chung sức của nhân dân sở tại qua 2 thế kỷ.
Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch bền vững
Bước dọc theo con đường bao quanh tường thành, du khách có thể thảnh thơi nghe tiếng chim hót trên những tán cây cổ thụ. Đáng chú ý, tường thành chỗ màu nâu đỏ của đá ong, chỗ cây dại mọc kín tạo nên nét đẹp cổ kính, mê đắm lòng người. Mặc dù không tách biệt hẳn với phố phường thị xã Sơn Tây nhưng chỉ cần đi vào khuôn viên của Thành cổ đã cảm thấy một bầu không khí yên bình, trong lành, cách xa sự ồn ào náo nhiệt.
Bà Nguyễn Thị Toàn (70 tuổi) trú tại phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) hồ hởi chia sẻ, vào những ngày cuối tuần, Thành cổ Sơn Tây tấp lập du khách tham quan. Thu nhập, đời sống của người dân được nâng cao nhờ các hoạt động kinh doanh từ du lịch.
Với mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, địa phương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm “đánh thức” tiềm năng di sản, như: Hình thành tuyến phố đi bộ Thành cổ; tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học uy tín; xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ - Văn Miếu - đền Và - Đường Lâm”… Ngoài ra, việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cho Thành cổ Sơn Tây cũng là một trong những nhiệm vụ địa phương hướng tới, thiết thực kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, góp phần khẳng định vai trò, vị trí di sản và nâng cao hiệu quả giáo dục, tuyên truyền, thúc đẩy ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây là sự kiện chính trị, văn hóa lớn của thị xã nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại; góp phần tôn vinh, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích Thành cổ, cũng như tiềm năng phát triển du lịch văn hóa của thị xã với bạn bè trong nước và quốc tế. Từ đó góp phần đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội và nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng của Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Sơn Tây tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa trước, trong và sau sự kiện nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đẩy mạnh kích cầu du lịch văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.
Cụ thể sẽ có các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, như: Tổ chức trưng bày tranh ảnh, hiện vật giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây; trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật trong Thành cổ, thư pháp, diễn xướng hát văn; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại khu vực không gian tuyến phố đi bộ; Lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại trung tâm thị xã… Cùng với đó là hoạt động quảng bá du lịch trên địa bàn thị xã nhằm thu hút du khách về với vùng đất "địa linh nhân kiệt".
Nguyễn Thắng