Cuốn sách "Chìm nổi ở Sài Gòn" của TS Haydon Cherry - nhà sử học chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á hiện đại - đã lấy thân phận những người nghèo và cuộc sống mưu sinh của họ ở Sài Gòn làm chủ đề trung tâm. Đây là cuốn sách đầu tiên và cho tới nay gần như là duy nhất cho người đọc cái nhìn sâu sắc về tình cảnh những người dân nghèo và những nỗ lực của họ để tồn tại trong cái nghèo dưới thời thuộc địa.
Để viết lên câu chuyện “lịch sử xã hội” về những người nghèo ở Sài Gòn thời thuộc địa này, tác giả Haydon Cherry đã cất công đi khai thác tài liệu lưu trữ tại Pháp (Lưu trữ quốc gia Hải ngoại của Pháp ở Aix-en-Provence và Văn khố tư nhân của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris) và Việt Nam (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ quốc gia II -TP.HCM)...
Những tài liệu này bao gồm các hồ sơ hành chính, báo cáo chính thức, thư truyền giáo, số liệu thống kê, các phóng sự và những nghiên cứu khoa học xã hội thời thuộc địa… Chúng lưu giữ nhiều mô tả về cuộc sống thời thuộc địa và chứa đựng nhiều câu chuyện về người nghèo ở thành thị đan xen chồng chéo theo nhiều hướng.
Những người nghèo có xuất thân khác nhau, song đều cùng đi trên những con đường giống nhau, đều sống trong những khu phố Sài Gòn; cùng nhau nương tựa trong những thời kỳ phồn vinh và cùng gánh nặng trong các thời kỳ khốn khó; cùng phải đối mặt với những cơ quan quyền lực của chính quyền thuộc địa.
Thiết chế mà người nghèo thời kỳ này hay phải đối mặt nhất chính là lực lượng cảnh sát thành phố. Những hành vi / việc làm của họ như di chuyển từ nơi này sang nơi khác, đi ăn xin, trộm cắp vặt, trốn thuế, bỏ rơi con cái và ngầm làm đĩ - đều coi là phạm tội. Nếu không may, họ sẽ bị cảnh sát bắt, lấy lời khai và viết báo cáo.
Các báo cáo này ngoài những văn bản có mẫu số chung, còn có những bản cung khai chi tiết, những bản thẩm vấn bằng tiếng Việt rồi phiên dịch sang tiếng Pháp, đặc biệt là các cuộc ghi âm trực tiếp ghi lại những câu chuyện của người nghèo theo ngôn ngữ riêng của họ, kể về nguồn gốc, xuất thân, nghề nghiệp, phương thức di chuyển, thói quen, gia đình và những người quen biết của họ. Ngoài ra, còn một số thẩm vấn những người trong gia đình, những người chủ, hàng xóm hoặc có mối liên hệ với họ.
Cuốn sách bắt đầu từ thời điểm năm 1904, vào đêm trước một cơn bão lớn làm hư hại mùa màng và khiến cho việc buôn bán lúa gạo rơi vào tình trạng hỗn loạn, gây ra tình cảnh khốn ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận.
Chương một cuốn sách đặt Sài Gòn vào bối cảnh những thăng trầm của nền kinh tế lúa gạo trong khu vực ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi cá nhân. Sáu chương sau đó mỗi chương kể về cảnh đời bần cùng của một trong sáu người nghèo - một gái mại dâm, một thợ người Hoa, một phu xe, một cô nhi, một người tàn tật không thể chữa khỏi và một người Pháp nghèo khổ - cả sáu người đều sống ở Sài Gòn trong bốn thập niên đầu thế kỷ XX.
Đó là Lương Thị Lắm, một cô gái mại dâm đến từ tỉnh Biên Hòa, tha hương cầu thực và chạy trốn chánh quyền thuộc địa; là Trần Dưỡng, một thợ đá người Khách Gia xuất thân từ miền Nam Trung Hoa, bị chủ cũ buộc tội gia nhập hội kín Thiên Địa Hội; là Aimée Lahaye, một cô gái trẻ lớn lên trong viện dục anh của Hội Thánh nhi, về sau nhận ra mình mồ côi thêm một lần nữa giữa dòng đời; là một “ngựa người” tự xưng tên Nguyễn Văn Thủ, làm phu xe rong ruổi trên khắp đường phố Sài Gòn; là Trần Văn Chinh, một người khuyết tật phải vật lộn với tình trạng tật nguyền; và Félix Colonna d’Istria, một người Pháp nghèo khổ, luôn là nạn nhân của sự bất cẩn của chính mình. Thoạt nhìn, những nhân vật này dường như được tác giả chọn ngẫu nhiên, vì họ sinh ra ở các cộng đồng khác nhau - trong và ngoài Sài Gòn, các tỉnh lân cận, châu Âu xa xôi… nhưng họ đều có điểm chung là những cá nhân nhỏ bé, khốn cùng trong một thành phố thuộc địa đầu thế kỷ XX.
Không chỉ kể về câu chuyện của những người nghèo dễ bị lãng quên, khiến bạn đọc không khỏi cảm thấy xót xa cho những phận đời cùng khổ của họ, trong cuốn sách, tác giả cũng làm sáng tỏ những góc khuất khác trong xã hội thuộc địa.
Chẳng hạn cách chính quyền thuộc địa đã quản lý và có chế tài thế nào khi nghề mại dâm từng được hợp pháp hóa ở Sài Gòn và Chợ Lớn, hay khi có người tìm cách vu vạ một thành viên trong cộng đồng là Thiên Địa Hội để trả thù. Bạn đọc có thể tường tận nỗi ám ảnh mà hội kín này gây ra cho chính quyền thuộc địa, nhất là sau khởi nghĩa do Phan Xích Long dẫn đầu.
Cũng trong cuốn sách, bạn đọc cũng có thể khám phá các khía cạnh xã hội thời kỳ này như chuyện về căn cước kiêm thẻ đóng thuế và nộp phạt, hoạt động của các hội từ thiện, hội cứu tế... Ngoài ra, bạn đọc còn tìm trong cuốn sách những thông tin về một số địa danh của Sài Gòn xưa.