Mặc dù xác định chuyển đổi số, công nghệ số là yêu cầu bức thiết, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, song do có đến 90% doanh nghiệp nước ta là nhỏ và vừa, nên hoạt động chuyển đổi số hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ, thiếu hụt nhân lực cho chuyển đổi số; Khó khăn trong tiếp cận thông tin về công nghệ số và tích hợp các giải pháp công nghệ số…
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Quản lý dự án, Công ty Cổ phần đầu tư AMA Holdings, khi bắt đầu chuyển đổi số, doanh nghiệp đã có những kế hoạch cụ thể và lộ trình thực hiện. Tuy nhiên vấn đề gặp khó khăn đó là: bối rối trong việc xác định thực hiện như thế nào, từ điểm nào, bắt đầu từ đâu… khiến doanh nghiệp rất lúng túng. Cùng với đó, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số mất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
“Nhà máy chúng tôi đang thực hiện sản xuất theo phương thức truyền thống, tất cả mọi điều đều ghi chép, in ấn, đưa chuyển đổi từ bộ phận này sang bộ phận kia. Nhưng bây giờ, khi mà thực hiện chuyển đổi số thì những người quản lý có thể nhanh chóng tiếp cận được ngay, nhưng đối với các công nhân hay những bạn quản lý dây chuyền, cần thời gian để đào tạo để các bạn có thể hiểu được cách làm, sau đó hướng dẫn các bạn làm; Tiếp theo đó là kiểm tra, giám sát và theo dõi kết quả” - ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Còn theo ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT), doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử cho các đối tác FDI tại Việt Nam và ở nước ngoài thì cho rằng, nhu cầu về chuyển đổi số là rất cấp thiết. Đặc biệt, khoảng 5 năm trở lại đây, việc chuyển đổi số và sản xuất thông minh đã trở thành nhu cầu tất yếu mà các doanh nghiệp cần hướng tới.
Song để chuyển đổi số thành công, dù cơ hội nhiều, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ khi doanh nghiệp cần phải đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, áp dụng các công nghệ tiên tiến như Big Data, IoT… Do đó cho rằng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và sản xuất thông minh, doanh nghiệp rất cần những nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ và các bên liên quan.
“Chúng tôi mong muốn có thể tiếp cận với các gói tài chính, vay vốn với các lãi suất ưu đãi tốt, cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và đơn giản hoá các quy trình, thủ tục xin hỗ trợ. Hay là cũng có những nguồn ngân sách từ hỗ trợ phát triển R&D (công nghệ mới, sản phẩm mới) bởi thực chất chuyển đổi số cũng là một hoạt động R&D trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp, nên cũng mong muốn có những nguồn ngân sách hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp” - ông Trần Đức Tùng nói.
Các doang nghiệp cũng bày tỏ mong muốn, thời gian tới sẽ có thêm các chương trình đào tạo giúp cho đội ngũ nhân sự có thể vận hành hiệu quả hơn trong quá trình chuyển đổi số. Từ đó nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.