Trong căn phòng khách hơn 10m2 của gia đình chị M. tại xã vùng ven của huyện Thạch Thất, Hà Nội trưa 26/10, Vũ K., sinh năm 2011 liên tục gào thét, không nhận ra người thân, không nhớ mình là ai và liên tục chỉ vào bố mẹ nói “côn đồ tốt”, “côn đồ xấu”... Những ai tới thăm đều rơi nước mắt khi chứng kiến cậu con trai duy nhất của gia đình chị M. lâm phải tình cảnh này.
K. tuy có thể trạng nhỏ, yếu hơn các bạn cùng trang lứa nhưng rất nhanh nhẹn và ngoan ngoãn. Trên K. có 2 chị gái lớn sinh năm 2002 và 2004. K. là cậu con trai duy nhất, là niềm hy vọng của gia đình.
Thế nhưng…
Trong khi các bạn cùng trang lứa đang tới trường học và chuẩn bị cho kỳ thi giữa kỳ thì K. phải vật vã ôm đầu đầy đau đớn. Cả gia đình K. cũng “quay cuồng” mỗi khi con em mình bị kích động.
Mở đầu câu chuyện với phóng viên VietNamNet, tất cả các thành viên trong đại gia đình chị M. có mặt khi đó đều chung một quan điểm: Chúng tôi chỉ mong sao con cháu mình sớm được trở lại thành người bình thường như trước mà thôi.
“Gia đình những người gây ra hậu quả cho con cháu chúng tôi đã cam kết trước chính quyền địa phương là sẽ chịu trách nhiệm và đồng hành cùng gia đình tới khi cháu khỏi bệnh. Chúng tôi cũng không kiện cáo gì mà chỉ mong cháu tôi sớm được khỏi bệnh”, bác ruột của K. cho biết.
Anh Kh. - bố của K. tiếp lời: “Trước đây, có lần con bảo tôi chở con đi học. Con còn dặn tôi đến đón trước giờ tan học. Tôi hỏi vì sao thì con chỉ nói là con thích như vậy chứ không nói gì thêm. Chiều con, dù bận việc tôi vẫn đưa đón con đi học”.
Anh Kh. lúc đó không hề biết rằng, con trai của mình đã bị một nhóm bạn cùng tuổi trong xã nhiều lần đánh đập không chỉ ở trường mà còn tại nhiều nơi khác như nhà văn hóa xã...
Hình ảnh cắt từ đoạn clip K. bị đánh trước cửa nhà văn hóa thôn
Đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhóm thiếu niên đánh K. trước cửa nhà văn hóa thôn từ tháng 6, nhiều người dân địa phương đã xem clip nhưng đến tận ngày 19/10 một người quen mới gửi cho chị M. Khi đó gia đình mới biết được sự thật đau lòng về những gì con trai họ đã phải chịu đựng.
Chỉ 30 ngày, gia đình phải 6 lần đưa con đến 5 bệnh viện
Giữa trưa nắng oi bức, con trai liên tục đòi mẹ dắt ra ô tô đưa đi chơi. Chị M. kể: “Hôm qua, sau khi ra Bệnh viện Việt Đức chụp cắt lớp, cháu lại ngất đi. Và từ lúc đó đầu óc cháu không còn tỉnh táo, không nhận biết được người thân và liên tục bị kích động”. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả hai bố mẹ đều mải đi làm nên chủ quan về tình trạng sức khỏe của con.
Chị kể, trước đây, thấy con có biểu hiện không muốn đi học sớm, chị gặng hỏi nhưng con chỉ nói “con không thích đi sớm”. Con thường đợi sát giờ vào lớp mới bắt đầu đi học.
Đến khi nhà trường mời chị cùng 6 phụ huynh khác tới họp về việc K. bị các bạn đánh, gia đình mới hay biết. Các bạn đánh K. đã bị nhà trường xem xét kỷ luật. Ban giám hiệu nhà trường cũng đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, phòng giáo dục… vào cuộc giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cùng thời điểm đó, do thấy K. kêu đau đầu, có biểu hiện nói nhảm, gia đình đưa cháu ra Bệnh viện Bạch Mai khám.
Những vết bầm tím trên cơ thể K. khi nhập viện khám lần đầu tiên
"Vừa khám ở Bệnh viện Bạch Mai về thì trưa hôm sau con cứ ôm đầu đập vào tường kêu đau, gia đình vội đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện. Con ở bệnh viện 2 hôm thì đòi về đi học”.
Vậy mà, ngay hôm gia đình đưa trở lại lớp học, K. lại tiếp tục bị các bạn dọa “hẹn 1 tháng sau gặp lại”. Về nhà, cậu bé chưa tròn 12 tuổi liên tục hoảng loạn và bị ảo giác. K. la hét gọi tên các bạn đã đánh mình và co rúm người sợ hãi. Gia đình anh Kh. lại tức tốc đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương ngay tối 25/9.
Tại đây, K. được bác sĩ chẩn đoán “rối loạn phân ly, cần theo dõi bạo lực học đường”. K. nhập viện điều trị 10 ngày, đến 5/10 được ra viện. Tuy nhiên, về nhà K. lại tiếp tục có các biểu hiện bất thường, chân tay co quắp, tê bì, nói nhảm… Gia đình anh Kh. lại phải đưa con quay lại bệnh viện.
Cứ tiếp tục như vậy, K. nhập viện từ ngày 6/10, ra viện 12/10. Về nhà lại tiếp tục ngất. Gia đình có đưa con đi điều trị tâm lý nhưng con không phối hợp, tới bệnh viện con lại ngất xỉu.
Giờ đây, K. và bố mẹ cùng chị gái lại tiếp tục chiến đấu với con trong những cơn mê sảng. Cả gia đình tiều tụy, héo mòn khi nhìn con trai 12 tuổi chỉ nặng 25kg đang gồng mình trong những ảo giác, hậu quả của nạn bạo lực học đường gây nên.
Bảo kê, bắt nạt bạn yếu thế
Dù bị các bạn đánh nhiều lần, nhưng K. không dám nói với ai. Những bạn thân của K. cũng sợ liên lụy nên chỉ âm thầm giúp đỡ mà không dám nói. “Trong nhóm 6 người đánh K. trước cửa nhà văn hóa, có 1 em sau này cũng bị những bạn kia đánh vì không nghe lời”, chị gái của K. kể lại.
Giữa tháng 9, đầu tháng 10, những lúc tỉnh táo, K. kể lại cho mẹ nghe: “Mỗi tháng con phải nộp tiền bảo kê 70.000 đồng, tháng này con không có tiền nộp thì tháng sau con phải nộp 150.000 đồng. Con không có tiền nộp thì bị các bạn đánh. Có một bạn học thấy K. bị đánh nên cho vay 200.000 đồng để nộp”, chị Mai nuốt nước mắt kể lại chuyện của con trai.
Khi biết chuyện, chị tới nhà bạn học của K. để trả tiền, K. còn nói với mẹ: “Mẹ ơi, bạn ấy tốt lắm. Mẹ đừng để bạn ấy bị đánh nhé”.
Ngoài việc nộp tiền hàng tháng, mỗi sáng trước 6h, K. phải đến đón bạn đi học, nếu không sẽ phải nộp 20.000đ. "Có hôm K. không đi đón được thế là bị các bạn đánh, về nhà đau quá con chỉ biết khóc", người mẹ nghẹn ngào nói.
K. từ đứa trẻ ngoan ngoãn, nhanh nhẹn mà giờ đây không còn tỉnh táo, liên tục hoảng loạn. Cô giáo dạy cấp 1 của K. tới thăm nói: “Tôi dạy cháu những năm cấp 1, cháu tuy có thể trạng nhỏ bé hơn các bạn nhưng vẫn nhanh nhẹn, ngoan ngoãn. Thật xót xa khi thấy học trò cũ của mình bị như vậy”.
Những người hàng xóm của gia đình cũng chia sẻ: “Trước đây K. ngoan ngoãn nhanh nhẹn, đi chơi khắp làng, nhà nào cháu cũng đến. Giờ nhìn cháu nó như vậy chúng tôi cũng xót ruột thay cho gia đình, mong cháu sớm khỏi bệnh”.