Gần đây nhất, Iran đã công bố hình ảnh về phiên bản nâng cấp mới của xe tăng M60 với việc kết hợp tháp pháo module với nhiều điểm tương đồng với tháp pháo của xe tăng T-90 (Nga). Điều này cũng chứng tỏ, sau nhiều thập kỷ chịu các lệnh cấm vận hà khắc từ Mỹ và phương Tây, Iran đang tự sản xuất vũ khí và nâng cấp các loại vũ khí có trong trang bị dựa trên tiềm lực sẵn có.
Quân đội Iran hiện sở hữu 2.000-3.000 xe tăng tương đối hiện đại. Theo đánh giá của tình báo Mỹ, xương sống của lực lượng tăng-thiết giáp Iran chính là các đơn vị xe tăng T-72 của Liên Xô với nhiều phiên bản khác nhau. Cùng với đó, Iran còn phát triển và sản xuất nhiều dòng xe tăng chiến đấu nội địa dựa vào công nghệ nội địa.
Mẫu xe tăng mới của Iran được nâng cấp dựa trên khung gầm xe tăng M60. Ảnh: Topwar |
Zulfiqar-1 – “Sự kết hợp Đông Tây”
Việc chế tạo ra một chiếc xe hoàn chỉnh, đáp ứng các yêu cầu tác chiến hiện đại là công việc không dễ dàng. Chính vì thế, Iran đã chọn con đường phát triển xe tăng nội địa dựa trên các nguyên mẫu xe tăng nhập khẩu, kết hợp với các công nghệ thu thập được để cho ra mắt dòng xe tăng nội địa có khả năng chiến đấu hiệu quả hơn. Xe tăng Zulfiqar-1 là ví dụ cụ thể.
Xe tăng Zulfiqar-1 có nhiều nét pha trộn của các dòng xe tăng Mỹ và Liên Xô như M48, M60 và T-72. Các thành phần được người Iran tổng hợp lại để cho ra mắt Zulfiqar-1 có nhiều nét giống với xe tăng M1 Abrams của Mỹ. Điểm khác biệt so với xe tăng của Mỹ là phần khung thân của Zulfiqar-1 được hình thành nhờ các kết cấu hàn thay vì đúc nguyên khối. Xe tăng nội địa Iran sử dụng hộp số SPAT 1200 tương tự như trên xe tăng M60. Với tổng khối lượng 36 tấn, xe tăng Zulfiqar-1 khá cơ động với động cơ công suất 760 mã lực và pháo chính 125mm.
Iran rất tích cực hiện đại hóa xe tăng Zulfiqar với các biến thể Mk-2 và Mk-3. Ở biến thể nâng cấp Mk-3, xe tăng Zulfiqar cơ bản được lột xác giống như các dòng xe tăng hiện đại với pháo chính nòng trơn cỡ 125mm, hệ thống nạp đạn tự động tương tự xe tăng T-72S, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, động cơ diesel V-84MS mạnh mẽ cung cấp 1.000 mã lực. Tháp pháo của Zulfiqar MK3 cũng được hiện đại hóa với cụm súng máy 12,7mm điều khiển từ xa.
Xe tăng Sabalan – Phiên bản Iran của M47
Về bản chất, xe tăng Sabalan là một biến thể nâng cấp của xe tăng Mỹ M47M Patton với hệ thống pháo chính M68 105mm. Dòng xe tăng này của Iran cũng có một số cải tiến về hệ thống hỏa lực và trang bị chiến đấu. Điểm mạnh của Sabalan chính là giá thành. Mỗi chiếc xe tăng Sabalan chí có giá bằng 1/3 so với Zulfiqar Mk-3.
Tính năng chiến đấu của Sabalan hoàn toàn có thể so sánh với các đơn vị xe tăng T-55, T-62 nâng cấp của Liên Xô hay Type-59 của Trung Quốc.
Xe tăng Tiam
Trong cuộc duyệt binh năm 2016, xe tăng Tiam lần đầu tiên xuất hiện và chúng được coi là “Iran hóa” của xe tăng M47 của Mỹ. Trên xe tăng Tiam, tháp pháo gốc của M47 đã được thay thế bằng tháp pháo tròn tương tự như trên xe tăng T-54/55 của Liên Xô với hệ thống giáp phản ứng nổ gia cường. Hỏa lực của dòng xe tăng hạng trung này cũng được nâng cấp với pháo 105mm, súng máy đồng trục 7,62mm và pháo phòng không 12,7mm trên nóc tháp pháo.
Mẫu xe tăng Tiam của Iran. Ảnh: Defense News |
So với M47, Tiam có hệ thống điều khiển hỏa lực hoàn toàn mới; khả năng sống sót của xe được tăng cường với các giải pháp giáp phản ứng nổ tăng cường và diềm chắn bảo vệ các vị trí quan trọng.
Xe tăng T-72Z và Safir-74
Dù mang tên giống như xe tăng hiện đại của Liên Xô, Nga, nhưng các dòng xe tăng T-72Z và Safir-74 của Iran chỉ là các biến thể nâng cấp của xe tăng T-54/55 và Type-59. Hỏa lực của các dòng xe tăng nâng cấp này đều được nâng lên chuẩn pháo 105mm M68 với khả năng bắn tên lửa qua nòng pháo chính.
Hệ thống điều khiển hỏa lực được đồng bộ hóa bằng trang bị Fotona (EFCS-3-55) do Slovenia phát triển; bộ ổn định tháp pháo, đo xa laser, kính nhìn đêm và máy tính đạn đạo. Những trang bị này giúp xe tăng T-72Z và Safir-74 đáp ứng tiêu chuẩn chiến đấu của xe tăng thế hệ thứ 3.
Khả năng cơ động của xe tăng T-72Z và Safir-74 cũng được tăng cường thông qua động cơ V46-6 780 mã lực của Ukraine và hệ thống truyền động SPAT-1200.
Karrar – T-90 của Iran
Dòng xe tăng hiện đại nhất do Iran phát triển chính là Karrar. Chúng được biên chế cho lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo từ năm 2018. Karrar được đánh giá có tính năng chiến đấu không thua kém gì dòng xe tăng T-90 hiện đại của Nga, thậm chí là có phần ưu thế hơn.
Xe tăng Karrar có nhiều nét tương đồng với phiên bản T-90MS với kết cấu tháp pháo, cách bố trí khoang chứa đạn mở rộng… Hệ thống khung gầm của Karrar cũng có nhiều nét giống với xe tăng T-72 và T-90. Nhiều khả năng đây là một biến thể nâng cấp sâu của xe tăng T-72S Quân đội Iran đang sở hữu và là xương sống của lực lượng tăng-thiết giáp ở quốc gia này.
Xe tăng hiện đại Karrar của Iran. Ảnh: Topwar |
Xe tăng Karrar được trang bị pháo nòng trơn 125mm, phát triển từ pháo tăng 2A46M. Hệ thống nạp đạn tự động cung cấp tốc độ khai hỏa 8 viên/phút; trang bị điều khiển hỏa lực và hỗ trợ quan sát tương đối hiện đại, đáp ứng khả năng chiến đấu ngày đêm. Động cơ 1.200 mã lực giúp cỗ xe tăng này có khả năng cơ động mạnh mẽ trên đường trường hoặc dã chiến.