Sự thật đằng sau những đứa con luôn đổ lỗi và ghét bỏ gia đình mình

21/07/2023 19:17

Không có sức mạnh nào có thể bắt cha mẹ quay về quá khứ và viết lại tuổi thơ cho con cái. Tuy nhiên, cũng không có thế lực nào có thể ngăn cản chúng ta vẽ ra ngày mai bằng chính đôi tay của mình, ngoại trừ chính bản thân chúng ta.

Có hai vợ chồng nọ cãi nhau trên chuyến bay. Người vợ không kìm được tức giận, vung tay đánh chồng. Sau một hồi được khuyên giải, hối lỗi, người này cho rằng, việc động tay động chân với chồng không phải là ý định của cô, nhưng cô không thể kiểm soát được tâm trạng của mình.

Người vợ xem xét lại những nguyên nhân khiến mình cư xử bốc đồng, cuối cùng lần ngược lại thời thơ ấu: Khi còn nhỏ, cha mẹ cô rất thích cãi nhau trước mặt con. Người mẹ lúc nào cũng cáu kỉnh, bạo lực. Nhiều lần như vậy, vô hình trung đã làm gương xấu, khiến cô có tính cách tương tự. "Là do mẹ tôi quá dễ cáu nên giờ tôi cũng rất dễ cáu. Chồng tôi luôn lấy chuyện này làm cái cớ, đổ lỗi cho tôi không đủ nhẹ nhàng, không kiềm chế được cảm xúc", cô nói.

Từ quan điểm tâm lý học, đúng là cách cha mẹ đối xử với nhau có thể ảnh hưởng đến cách con cái đối xử với vợ/chồng khi trưởng thành. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với sự đổ lỗi hoàn toàn của cô vợ nói trên.

Chồng trách người vợ không dịu dàng, cô trách mẹ quá nóng tính, đây là lời giải thích cho hoàn cảnh hiện tại. Nó có vẻ hợp lý, nhưng liệu điều đó có giúp ích gì cho cuộc sống của cô ấy không?

Sự thật đằng sau những đứa con luôn đổ lỗi và ghét bỏ gia đình mình-1
Ảnh minh họa

Trong thời đại bùng nổ thông tin, ai cũng biết chút ít về tâm lý học. Ảnh hưởng của "gia đình gốc" dường như đều được mọi người liên kết với cuộc đời của mình: Thiếu tự tin, hay sợ sệt, tính cách bạo lực, hôn nhân không hạnh phúc... Cứ như vậy, dường như mọi bi kịch cuộc đời họ đều có thể tìm thấy từ "ngòi nổ" đầu tiên ở gia đình.

Điều này thực ra không gì khác hơn là cố gắng tìm cớ để bào chữa và cảm thấy rằng không phải lỗi của chúng ta khi sống một cuộc sống tồi tệ như vậy. Nó cho phép nhiều người trốn tránh trách nhiệm và căm ghét cha mẹ mình.

Lý thuyết truy nguyên là đúng. Hành vi của mọi người sau khi trưởng thành đều gắn bó chặt chẽ với trải nghiệm thời thơ ấu. Trẻ em được nuôi dưỡng bởi một "gia đình gốc" tốt sẽ có tính cách lành mạnh hơn và có thể đối mặt với thử thách, khó khăn bằng một thái độ tốt.

Tuy nhiên, liệu có gia đình nào hoàn hảo trên thế giới này?

Cha mẹ sinh ra không ai hoàn hảo, và giáo dục gia đình không ai có thể là hoàn hảo. Điều này đúng với thế hệ trước giáo dục chúng ta, và cũng đúng khi chúng ta giáo dục thế hệ sau của mình.

Một chuyên gia tâm lý chia sẻ:

"Trong những ngày đầu đi làm thêm thời đại học, tôi rất nghèo và nhiều lần thiếu ăn, thậm chí còn đi ăn xin trên đường phố. Tôi nhờ vả tất cả những người bạn mà tôi có thể liên lạc, nhưng không bao giờ làm thế với bố mẹ tôi. Tôi từng nghĩ thiếu thốn tình thương thuở nhỏ đã khiến tôi quá mơ hồ về khái niệm "tổ ấm", thiếu niềm tin và cảm giác an toàn.

Quan điểm này không thay đổi cho đến khi mẹ tôi chăm cháu. Một lần, cháu sốt cao co giật, bệnh viện cấp báo bệnh nguy kịch. Mẹ tôi chạy đi chạy lại giữa nhà và bệnh viện, không ngủ. Sau khi đứa trẻ xuất viện, bà nói với tôi với vẻ sợ hãi kéo dài rằng lần này thực sự rất đáng sợ!

Tôi nhắc nhở bà: Mẹ chưa bao giờ quan tâm đến con gái của mình nhiều như vậy. Nhưng nhìn lại vài thứ, tôi chợt nhận ra rằng xuất phát điểm khi làm mẹ của chúng tôi khác nhau.

Sở dĩ tôi có thể theo đuổi ngành tâm lý giáo dục trẻ em là vì vấn đề cơm ăn áo mặc giải quyết tương đối dễ dàng. Khi làm mẹ, chỉ riêng việc cơm áo, học hành cho chị em chúng tôi cũng đủ khiến mẹ kiệt sức.

Dù không đáp ứng được tình yêu mà tôi mong đợi, nhưng đứng trên phương diện của mình, mẹ đã dành cho chúng tôi những gì tốt nhất. Mẹ không sinh ra là thánh, mẹ chỉ có thể tìm tòi để thể hiện tình yêu theo cách mà mẹ cho là đúng, giống như tôi bây giờ đang tìm tòi để dành tình yêu thương tốt nhất cho con".

Đằng sau những đứa con luôn đổ lỗi và ghét bỏ gia đình mình là sự thật sau đây

Khi chúng ta cố tìm ra mặt tiêu cực của gia đình để đổ lỗi, thật ra chúng ta đang ghét bỏ sự không hoàn hảo của bản thân mình.

Tất cả những đòi hỏi sự hoàn hảo đối với "gia đình gốc" chẳng qua là sự phản kháng lại những khuyết điểm của bản thân: Không chấp nhận tính xấu của mình, không chấp nhận vấn đề hôn nhân thiếu hạnh phúc, không chấp nhận mình không được yêu mến, không chấp nhận sự tầm thường của mình...

Mỗi chúng ta đều mang dấu ấn của gia đình gốc, nhưng không có nghĩa là suốt đời phải tiếp tục một nếp sống nào đó. Có thể cách cha mẹ chúng ta không mấy hòa hợp, nhưng cách chúng ta hòa thuận với vợ/chồng mình thì chúng ta có thể tự quyết định. Gia đình ban đầu có thể không thể cho chúng ta tình yêu hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể chọn sửa chữa bản thân trong tình yêu và được yêu thương với thế hệ tiếp theo.

Có thể khả năng của cha mẹ không thể mang tới một xuất phát điểm tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể phấn đấu cho cuộc sống mà mình muốn thông qua nỗ lực của bản thân.

Cha mẹ có cuộc sống của cha mẹ, và chúng ta có cuộc sống của chúng ta. Nguồn gốc gia đình có thể ảnh hưởng đến chúng ta trong một thời gian, nhưng không ảnh hưởng đến cả cuộc đời.

Đừng quên, có một khái niệm gọi là "tự phục hồi". Dù là thể chất hay tâm lý, con người đều có một chức năng đặc biệt như vậy. Đó là cơ chế điều hòa tự phục hồi ổn định và cân bằng vốn có của chúng ta, cũng là khả năng được mang lại từ người mẹ.

Tiền đề là chúng ta phải giải phóng tâm trí của mình và ngừng đắm chìm trong vòng luẩn quẩn của gia đình ban đầu. Tự kiểm điểm là cách duy nhất để tự trưởng thành; đồng cảm là cách duy nhất để thấu hiểu nhau.

Không ai được chọn lựa xuất thân, nhưng cuộc đời mỗi người đều là quà tặng quý giá của cha mẹ. Hòa giải với đấng sinh thành là sự cứu rỗi của chính bạn. Điều này có nghĩa là chúng ta đã chấp nhận bản thân không hoàn hảo và lấy lại khả năng yêu thương.

Không có sức mạnh nào có thể bắt cha mẹ quay về quá khứ và viết lại tuổi thơ cho con cái. Tuy nhiên, cũng không có thế lực nào có thể ngăn cản chúng ta vẽ ra ngày mai bằng chính đôi tay của mình, ngoại trừ chính bản thân chúng ta.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sự thật đằng sau những đứa con luôn đổ lỗi và ghét bỏ gia đình mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO