Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, các tỉnh ĐBSCL tăng cường phòng chống

PHONG LINH| 03/10/2023 17:48

Nhiều phụ huynh nhầm lẫn sốt xuất huyết giống các loại sốt thông thường khác, đó là nguyên nhân khiến bệnh này diễn biến phức tạp, khả năng tăng cao vào những tháng cuối năm...

Dễ nhầm lẫn với sốt thông thường

Có con mắc bệnh sốt xuất huyết và từng phải điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực-chống độc của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, chị Hứa Thanh Thúy (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: Ban đầu, biểu hiện bệnh của con giống như sốt thông thường, nhưng mãi cả ngày con không hạ. Vì lo lắng, chị đưa con đến một phòng khám và được bác sĩ cho về nhà theo dõi. Khoảng 3 ngày sau, chị Thúy phát hiện trên da bé có nhiều vết bầm và mẩn đỏ, móng tay, móng chân đổi màu nên đi xét nghiệm thì mới biết con dương tính với sốt xuất huyết.

"Tôi không nghĩ con bị sốt xuất huyết nên chỉ chăm sóc con tại nhà, đến khi xét nghiệm ra dương tính với sốt xuất huyết thì bé đã bị nhiễm trùng máu, thậm chí tình hình nghiêm trọng hơn và buộc phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực", chị Thúy chia sẻ.

ggg
Con chị Thúy mắc bệnh sốt xuất huyết và phải điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực-chống độc. Ảnh: Phong Linh

Tương tự, có con điều trị tại Khoa Sốt xuất huyết (Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ), chị Huỳnh Thị Cẩm Tú (Vĩnh Long) nhìn nhận: "Tôi hơi chủ quan trong việc chăm sóc con vì nghĩ bệnh sốt xuất huyết chỉ xuất hiện ở một độ tuổi nhất định nào đó, con mình còn nhỏ vậy nên sẽ không bị sốt xuất huyết. Đến khi xét nghiệm máu và biết có sốt xuất huyết thì mình mới bất ngờ".

Trước đó, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Kiên Giang cũng ghi nhận bệnh nhi N.M.K (ngụ TP Rạch Giá) nhập viện trong tình trạng sốt cao, lừ đừ, nôn ói. Theo gia đình chia sẻ, vì bé cũng lớn mà chỉ thấy sốt nên nghĩ là sốt thông thường, có điều trị uống thuốc hạ sốt ở nhà. Qua làm xét nghiệm, bác sĩ cho biết, bé K bị sốt xuất huyết.

a
Nhiều phụ huynh nhầm lẫn sốt xuất huyết với sốt thông thường. Ảnh: Phong Linh.

Thông tin với Lao Động, bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Trường - Trưởng Khoa sốt xuất huyết (Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ) - cho biết: Bệnh sốt xuất huyết có thể gặp ở tất cả lứa tuổi nên bậc cha, mẹ không nên chủ quan. Trẻ càng nhỏ khi mắc bệnh sẽ dễ trở nặng vì phụ huynh thường nhầm với các bệnh khác như viêm họng, sốt thông thường. Do đó, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu có dấu hiệu sốt xuất huyết.

Tăng cường phòng bệnh đến cuối năm

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 1.149 ca sốt xuất huyết, trong đó có 141 ca nặng. Để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất diệt muỗi chủ động trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết và Zika từ tháng 9 đến tháng 12.2023.

UBND TP Cần Thơ cũng vừa có văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, sau báo cáo của UBND quận Ô Môn về việc xử lý ca bệnh sốt xuất huyết tử vong trên địa bàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với thủ trưởng đơn vị có liên quan theo dõi, chỉ đạo xử lý ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Ô Môn theo quy định.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay tỉnh Kiên Giang đã ghi nhận trên 1.800 ca sốt xuất huyết. Địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là TP Phú Quốc, huyện Kiên Lương, TP. Hà Tiên, TP. Rạch Giá,…Theo Sở Y tế Kiên Giang đánh giá, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay diễn biến phức tạp, có thể tăng nhanh vào những tháng cuối năm. Ngoài tích cực tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thường xuyên, Sở còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, các tỉnh ĐBSCL tăng cường phòng chống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO