Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương (Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình) đang chăm sóc 220 cá thể linh trưởng (của 14 loài), đều nằm trong danh mục sách đỏ, động vật quý hiếm, nguy cấp cần được bảo vệ.
Tại trung tâm này có một cá thể vượn đen má trắng quý hiếm. Câu chuyện cuộc đời của cá thể này khiến nhiều người xúc động.
Mafia là tên gọi mà trung tâm đặt cho chú vượn đặc biệt này. Năm 2018, ông trùm ma túy Triệu Ký Voòng (ở Lạng Sơn) bị công an bắt giữ. Khám xét nhà đối tượng, cơ quan chức năng phát hiện một cá thể vượn.
"Cá thể vượn đen má trắng được ông trùm ma túy nuôi nhốt riêng biệt tại tầng 9 của căn biệt thự và xem như thú cưng, vượn được dành hẳn không gian riêng", anh Phạm Phú Cường, cán bộ VQG Cúc Phương cho hay.
Ngoài thu giữ lượng lớn heroin, đạn dược, xe cộ, lực lượng chức năng cũng thu giữ cá thể vượn và bàn giao cho VQG Cúc Phương cứu hộ, vì đây là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, cấm buôn bán, nuôi nhốt trái phép.
Sau khi được đưa về Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương (EPRC), con vượn được các nhân viên đặt tên gọi là Mafia. "Cái tên Mafia để nhắc nhở về cuộc giải cứu cá thể này tại nhà trùm ma túy", anh Cường chia sẻ.
Theo anh Quang (cán bộ của EPRC), thời gian đầu các chuyên gia của trung tâm rất lo lắng sợ Mafia bị nghiện ma túy, nên tăng cường theo dõi biểu hiện hành vi của cá thể này.
"Rất may mắn Mafia hồi phục tốt và không có dấu hiệu bị nghiện như sự lo lắng ban đầu của chúng tôi. Tuy nhiên, điều khiến các bác sĩ và mọi người không vui là kết quả kiểm tra sức khỏe lại cho thấy Mafia bị nhiễm virus viêm gan B, một căn bệnh nan y", anh Quang nói.
"Cuộc đời thăng trầm của cá thể vượn quý hiếm này đúng là vô cùng đặc biệt. Một mình sống trong tầng 9 của căn biệt thự sang trọng, được ông trùm ma túy cưng chiều. Sau khi được giải cứu, đặt cho cái tên đặc biệt, rồi phát hiện mắc căn bệnh nan y. Và có lẽ đáng buồn nhất là nó sẽ mãi mãi không có cơ hội trở về rừng xanh do bị mắc bệnh viêm gan B", anh Cường chia sẻ.
Anh Cường giải thích thêm, các cá thể được cứu hộ đưa về EPRC, sau một thời gian chăm sóc, đủ điều kiện sẽ được tái thả về tự nhiên. Nhưng theo nguyên tắc khoa học trong bảo tồn động vật hoang dã, bất cứ cá thể nào mắc bệnh có nguy cơ lây nhiễm cho loài và động vật khác sẽ không được tái thả về tự nhiên. Mafia nằm trong trường hợp hy hữu này.
Dù không được trở về với rừng xanh để vùng vẫy hay tìm kiếm bạn đời, duy trì giống nòi, nhưng tại EPRC, Mafia đang được chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ thường xuyên theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
"Mỗi ngày Mafia được ăn 4 lần (3 bữa chính và 1 bữa phụ), thức ăn chủ yếu là các loại củ quả và một ít rau, lá...", anh Quang nói và cho biết thêm, Mafia hiện được sống chung cùng người bạn có tên Polly.
Polly cũng bị mất đi bản năng hoang dã nên không thể tái thả về tự nhiên; được ghép chung chuồng với Mafia. Hai cá thể này được giữ ở chuồng trong khu giáo dục và tham quan để nhắc nhở mọi người về hậu quả của việc nuôi nhốt động vật hoang dã làm thú cưng.
Anh Quang chia sẻ thêm, không giống chó mèo, linh trưởng là loài không thể thuần hóa hoàn toàn. Khi còn nhỏ thì xinh xắn đáng yêu, nhưng khi lớn lên chúng sẽ trở thành những con thú hoang dã, mạnh mẽ, luôn la hét và cố trốn đi.
Ngoài ra, do cùng thuộc họ linh trưởng, vượn rất dễ bị bệnh truyền nhiễm từ người và ngược lại. Nếu may mắn khỏe mạnh, vượn có thể sống đến 40 năm, do đó một cá nhân thường không đủ nguồn lực kinh tế cũng như kiến thức chuyên môn để chăm sóc chúng tốt qua các giai đoạn của cuộc đời.
Cũng vì lý do này, dù sớm hay muộn, kết cục của những cá thể không may mắn thường là bị bán đi, chết vì bệnh tật hoặc thậm chí bị giết hại.