Siêu cảng quốc tế Cần Giờ nằm trên một cù lao biệt lập giữa cửa sông?

Q.Huy| 12/05/2023 17:44

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất đặt tại Cù lao Phú Lợi. Nơi đây nằm biệt lập giữa cửa sông Cái Mép, có độ sâu lòng sông và bề rộng sông lớn, đáp ứng nhu cầu hàng hải.

Ngày 12/5, UBND TPHCM tổ chức hội thảo về đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp thu góp ý, ý tưởng từ chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị liên quan về các mô hình cảng nước sâu, cảng biển thành công trên thế giới và nhận diện khó khăn, thách thức đối với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Mở đầu hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, lịch sử hình thành, phát triển của TPHCM trong hơn 300 năm qua luôn gắn liền với sự phát triển của cảng biển, vận tải biển. Đến nay, hệ thống cảng biển trên địa bàn đã được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch, đồng bộ, hiện đại và ứng dụng công nghệ mới để có đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội của TPHCM và cả vùng phía Nam.

Siêu cảng quốc tế Cần Giờ nằm trên một cù lao biệt lập giữa cửa sông? - 1

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, tham dự hội thảo về Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Q.Huy).

"Huyện Cần Giờ tiếp giáp với Biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn. Nơi đây thuộc tuyến hàng hải quan trọng của hệ thống cảng biển nhóm 4 (nhóm cảng biển Nam Trung bộ - PV), hội đủ điều kiện để phát triển cảng biển quốc gia, cảng trung chuyển quốc tế", ông Bùi Xuân Cường phân tích.

Siêu cảng thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyển

Theo bản đề án, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất đặt tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Cù lao này có hơn 93ha rừng phòng hộ, trong đó có hơn 82ha đất có rừng và được bao quanh bởi sông Thị Vải, sông Thêu.

Khu vực này nằm trong vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, do đó, dự án không ảnh hưởng đến vùng lõi rừng.

Siêu cảng quốc tế Cần Giờ nằm trên một cù lao biệt lập giữa cửa sông? - 2

Vị trí dự kiến đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Portcoast).

Trình bày tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng - Kỹ thuật biển, nhìn nhận, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là dự án có tác động thế nào đến môi trường. Bởi, khi nói đến Cần Giờ là nói đến rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển.

"Trong thực tế, Cù lao Phú Lợi là khu vực chắn sóng ven biển, không có người ở. Việc đặt cảng trung chuyển quốc tế tại đây cần đánh giá các yếu tố lớn là địa điểm, quy mô, sự tác động, công nghệ xử lý rác thải và mức độ ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển", ông Tuấn phân tích.

Siêu cảng quốc tế Cần Giờ nằm trên một cù lao biệt lập giữa cửa sông? - 3

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai (Ảnh: Portcoast).

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng - Kỹ thuật biển, thông tin, nhà đầu tư đã cam kết mang công nghệ, chuyên gia để áp dụng công nghệ cảng xanh, giảm khí thải, chất thải và có phương án sử dụng, khai thác hợp lý, phòng ngừa các sự cố môi trường. Đối với diện tích gần 83ha rừng bị ảnh hưởng, các đơn vị liên quan sẽ thực hiện trồng rừng thay thế.

"Cù lao Phú Lợi nằm tại khu vực gần khu vực Cảng Cái Mép - Thị Vải, đã quen với hoạt động hàng hải. Do cù lao nằm biệt lập nên cần có các tuyến đường kết nối với đất liền. Do đó, chúng ta cần tính toán các phương án giảm thiểu nhất có thể sự tác động đến môi trường, có thể tính tới phương án đường trên cao", ông Tuấn chia sẻ.

Bề rộng sông tại khu vực dự kiến đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là khoảng 1km, độ sâu lòng sông tại vị trí đề xuất cũng rất lớn, trung bình từ 30m đến 40m, chỉ một số khu vực bên ngoài có độ sâu nhỏ hơn (từ 14m đến 16m). Do đó, việc quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế tại Cù lao Phú Lợi là đảm bảo, phù hợp về an toàn hàng hải cũng như tiếp nhận tàu ra, vào.

Không được đánh mất cơ hội

Tại hội nghị, TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nêu quan điểm, không phải nơi nào có nước sâu cũng có thể làm cảng biển thành công. Việc quyết định thành công của dự án cảng biển phụ thuộc vào việc mong muốn của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý có gặp nhau hay không.

"Nơi nào quy hoạch của Nhà nước và ý định của nhà đầu tư gặp nhau thì nơi đó sẽ thành công. Chúng ta quy hoạch mà không đúng với vị trí nhà đầu tư mong muốn thì rất khó", TS Trần Du Lịch bày tỏ.

Siêu cảng quốc tế Cần Giờ nằm trên một cù lao biệt lập giữa cửa sông? - 4

TS Trần Du Lịch góp ý cho đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Q.Huy).

Đối với đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TS Trần Du Lịch cho rằng, đây là vị trí hiếm hoi được nhà đầu tư lựa chọn và quy hoạch của Nhà nước gặp nhau. Đây là điểm cực kỳ thuận lợi cho hình thành cảng biển trung chuyển quốc tế.

"Vấn đề hiện tại không phải bàn hay không, mà làm sao làm nhanh nhất có thể để không mất cơ hội", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, việc hình thành Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là dự án lớn, đòi hỏi sự chuẩn bị và nhập cuộc với khối lượng công việc rất lớn của TPHCM và các bên liên quan. Bài toán đặt ra cho siêu cảng này là làm sao hình thành được dự án lớn nhưng vẫn giữ được môi trường và tạo đột phá biến Cần Giờ thành một cực phát triển.

Siêu cảng quốc tế Cần Giờ nằm trên một cù lao biệt lập giữa cửa sông? - 5

Bài toán đặt ra cho siêu cảng là vừa hình thành dự án lớn nhưng vẫn giữ được khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (Ảnh: P.N.).

Góp ý cho đề án, TS Trần Du Lịch đề xuất, các đơn vị thực hiện không nên suy nghĩ cảng Cái Mép - Thị Vải là của Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ là của TPHCM. Thay vào đó, cả 2 cảng này cần được xem là một "hốc cảng biển" của vùng Đông Nam Bộ và cả quốc gia.

Do đó, vai trò của Ban điều phối vùng Đông Nam Bộ, với sự dẫn dắt của TPHCM, phải được thể hiện ngay từ đầu để hình thành cụm cảng vì lợi ích chung.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Siêu cảng quốc tế Cần Giờ nằm trên một cù lao biệt lập giữa cửa sông?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO