Năm 2021, TikTok ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến TikTok Shop, bắt đầu từ Indonesia. Từ đó tới nay, TikTok Shop đã mở rộng ra nhiều thị trường khác trong khu vực, nơi Shopee của Sea, Lazada của Alibaba và Tokopedia đang thống trị.
Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh hôm 15/8, Chủ tịch kiêm CEO Sea Forrest Li cho biết bức tranh thương mại điện tử đang trải qua giai đoạn tương tác của người dùng tăng trưởng đa dạng thông qua livestream, short video, tiếp thị liên kết với người có ảnh hưởng.
Theo ông Li, nó mang đến những cơ hội mới để phát triển và lớn mạnh. Xét đến xu hướng và tiến độ tích cực này, Sea đã và sẽ tăng cường đầu tư vào mảng thương mại điện tử của mình tại mọi thị trường, nhưng ông không tiết lộ con số cụ thể.
Shopee đi trước TikTok với tính năng livestream năm 2019. Gần đây, công ty đã làm mới tính năng này để tập trung vào các danh mục hàng hóa như thời trang, sức khỏe và sắc đẹp. Đây cũng là điểm mạnh của TikTok. Ông Li chia sẻ, chiến dịch livestream tại Indonesia tháng trước giúp khối lượng giao dịch tăng 12 lần so với trung bình hằng ngày, trong khi lượng người mua tăng 10 lần.
Giám đốc doanh nghiệp Yanjun Wang cho biết, công ty có lợi thế chuyển đổi đơn hàng hơn nhờ tích hợp dịch vụ logistics và thanh toán.
Tuy nhiên, ông Li cảnh báo đầu tư sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và có thể dẫn đến lỗ cho Shopee cũng như cả tập đoàn trong khoảng thời gian nhất định.
Sức nóng cạnh tranh xuất hiện đúng vào thời điểm khó khăn đối với Sea khi nhà đầu tư yêu cầu một hướng đi lợi nhuận rõ ràng sau nhiều năm thua lỗ nặng. Ngay cả khi Shopee được ước tính chiếm gần một nửa thị phần thương mại điện tử Đông Nam Á, công ty cũng ghi nhận tăng trưởng chậm lại sau thời gian bùng nổ dịch Covid-19.
Quý II năm nay, thu nhập ròng của Sea đạt 330 triệu USD, phục hồi từ khoản lỗ 931 triệu USD của một năm trước. Đây là quý thứ ba liên tiếp tập đoàn có lãi. Tuy nhiên, doanh thu chỉ tăng 5,2% lên 3 tỷ USD, chậm hơn đáng kể so với mức tăng hơn 100% trong thời kỳ Covid-19. Chi phí tiếp thị và bán hàng tại mọi bộ phận đều được cắt giảm, còn 493 triệu USD, thấp hơn 49,3% so với cùng kỳ năm 2022.
EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) điều chỉnh của Shopee đạt 150 triệu USD, cao hơn mức lỗ 648 triệu USD cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng 32,3% lên 2,32 tỷ USD, mức chậm nhất được ghi nhận.
(Theo Nikkei)